Những điều thú vị về AFF Cup
07:44, 02/11/2018
Thái Lan giàu thành tích nhất hay Indonesia chưa vô địch dù năm lần về nhì chỉ nằm trong nhiều thống kê đáng nhớ tại giải.
Nốt thăng đầu tiên
K. Sanbagaraman ghi bàn đầu tiên trong lịch sử giải đấu, ở phút 76, giúp Malaysia vượt lên dẫn trước Singapore ngày 1/9 năm 1996. Nhưng gần 44.000 khán giả chủ nhà có mặt tại sân quốc gia ở Kallang không phải thất vọng khi Fandi Ahmad gỡ hòa ở phút 89.
Sanbagaraman sau này đã ghi thêm năm bàn trên hành trình đưa Malaysia vào chung kết - nơi Kiatisuk Senamuang ghi bàn duy nhất giúp Thái Lan lần đầu đăng quang.
Đầy ắp bàn thắng
AFF Cup 1996 là lần đầu tiên và duy nhất giải đấu không có trận hòa 0-0. Cả 24 trận đều có bàn thắng trước phút 77. Có tới 93 bàn được ghi, với tỷ lệ 3,88 bàn/trận.
Trận hòa 0-0 đầu tiên diễn ra giữa Malaysia và Lào ở Hà Nội năm 1998. Cùng ngày tại Hàng Đẫy, Việt Nam hòa Singapore với tỷ số tương tự. Đó cũng là toàn bộ hai trận không bàn thắng ở giải đấu năm 1998.
AFF Cup 2007 chứng kiến nhiều tỷ số 0-0 hơn cả (4 trận), nhưng kỳ đại hội có tỷ lệ bàn thắng thấp nhất là năm 2012 (2,67 bàn/trận). Tổng cộng có 741 bàn được ghi qua 215 trận đấu, trung bình 3,44 bàn/trận. Tỷ lệ này cao hơn hẳn các giải bóng đá hàng đầu như Asian Cup, Euro hay World Cup.
Trung phong rực sáng
Noh Alam Shah lập kỷ lục ghi bảy bàn vào lưới Lào ở vòng bảng năm 2007, kết thúc giải với 10 pha lập công cho nhà vô địch Singapore. Không ai phá lưới nhiều hơn Alam Shah ở giải năm đó. Á quân Thái Lan và đồng hạng ba Việt Nam cũng chỉ có 10 bàn. Năm đó Philippines là đội duy nhất ra về mà không có bàn thắng làm vốn.
Alam Shah vẫn đang giữ kỷ lục ghi bàn ở AFF Cup với tổng cộng 17 pha lập công. Đứng sau anh là ba cầu thủ cùng 15 bàn gồm Worrawoot Srimaka, Teerasil Dangda (Thái Lan) và Lê Công Vinh. Srimaka và Công Vinh đã giải nghệ, còn Dangda không dự AFF Cup sắp tới. Alam Shah nhiều khả năng sẽ giữ kỷ lục thêm vài kỳ nữa.
Đại diện châu Phi
AFF Cup chứng kiến sự góp mặt của những HLV từ khắp năm châu. HLV người Serbia Raddy Avramovic nổi bật với ba chức vô địch cùng Singapore, còn nhà cầm quân người Anh Peter Withe cũng hai lần lên đỉnh cao với Thái Lan. Chỉ có một HLV người châu Phi từng hiện diện ở giải, đó là Hatem Souissi.
HLV người Tunisia muốn giúp Malaysia vô địch AFF Cup 1998 trên đất Việt Nam, nhưng rời giải mà không có bàn thắng. Họ thua Singapore và Việt Nam với tỷ số 0-1 và 0-2, xen kẽ bởi trận hòa gây thất vọng trước Lào.
Người "đa nhân cách"
Avramovic và Withe là hai HLV thành công bậc nhất tại AFF Cup, còn Kiatisuk Senamuang cũng giúp Thái Lan vô địch hai lần gần đây. Nhưng chỉ có một HLV từng dẫn dắt ba đội dự giải, đó là David Booth.
Năm 1996, HLV người Anh giúp Brunei Darussalam có lần đầu tiên và duy nhất dự AFF Cup. Ông cũng dẫn dắt Myanmar dự giải năm 2000 và 2002. Ở AFF Cup 2010, Booth hoàn tất "hat-trick" khi giúp Lào góp mặt, với trận hòa lịch sử 2-2 trước Thái Lan.
HLV Alfred Riedl cũng xứng đáng được nhắc tên với sáu lần dự AFF Cup, chia đều cho Việt Nam và Indonesia. Ông dẫn dắt Việt Nam vào các năm 1998, 2000 và 2007, sau đó cùng Indonesia dự giải năm 2010, 2014 và 2016. Ông đã ba lần vào chung kết nhưng đều thất bại.
Sức mạnh sân nhà
Thái Lan mới thua một trong 24 trận đấu trên sân nhà ở AFF Cup. Lần đầu tiên họ được đá sân nhà là năm 2000, với thắng lợi 3-1 trước Myanmar tại Chiang Mai. Họ cũng thi đấu ở Phuket tại vòng bảng năm 2008, nhưng sân Rajamangala ở Bangkok mới là nơi chứng kiến nhiều trận nhất của Thái Lan.
Họ được ăn mừng chức vô địch năm 2010, 2014 và 2016 tại đó. Nhưng sân có sức chứa gần 50.000 chỗ ngồi cũng chứng kiến thất bại duy nhất của Thái Lan trên sân nhà. Đó là tại chung kết lượt đi năm 2008. Nguyễn Vũ Phong và Lê Công Vinh ghi hai bàn trong hai phút gần cuối hiệp một, giúp Việt Nam rời Bangkok với lợi thế 2-1. Tại lượt về trên sân Mỹ Đình, Công Vinh ghi "bàn thắng vàng" giúp đội nhà thắng với tổng tỷ số 3-2, lần đầu vô địch AFF Cup.
Theo VNE