Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế theo hướng nới quy định.
Theo đó, để hoàn thiện pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh đặt cược cũng như thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP (Nghị định số 06) về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Dự thảo nghị định sửa đổi sẽ không giới hạn ở những giải đấu do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức như World Cup, tới đây người chơi còn có thể cá cược ở trận bóng của các giải châu Âu, châu Mỹ...
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất: "Tài khoản mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt".
Người Việt sắp được chơi cá độ bóng đá quốc tế công khai. (Ảnh minh họa) |
Theo quy định hiện hành, trận đấu, giải thi đấu được lựa chọn để kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải là các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được FIFA công bố, phê chuẩn. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố danh mục các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được lựa chọn làm căn cứ kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, FIFA chỉ công bố các giải bóng đá do FIFA tổ chức và không phê chuẩn danh mục trận đấu, giải đấu bóng đá quốc tế. Các giải này không diễn ra thường xuyên mà chỉ được tổ chức 2-4 năm/lần, thời gian tổ chức cho 1 giải đấu ngắn, thường từ 10-30 ngày. Hàng năm FIFA công bố khoảng 4-8 giải đấu bóng đá quốc tế do FIFA tổ chức ở tất cả các cấp độ đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ, giải bóng đá nam và nữ, giải bóng đá trẻ.
Đây cũng là lý do khiến chưa có nhà đầu tư nào tham gia hoạt động kinh doanh này. Trong khi đó, theo quy định để tham gia đầu tư, nhà đầu tư phải có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.
Để sửa đổi những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ mở rộng danh mục các trận đấu, giải thi đấu là các trận đấu, giải thi đấu mang tính thường xuyên, được đông đảo người hâm mộ theo dõi và phải là những giải đấu do FIFA hoặc liên đoàn bóng đá thành viên của FIFA tổ chức.
Bộ Tài chính đề xuất cần phải quy định cụ thể danh mục trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế trong thời gian thí điểm 5 năm gồm các giải đấu bóng đá được tổ chức thường xuyên; tính công khai, minh bạch cao; được đông đảo người hâm mộ theo dõi như Giải vô địch ngoại hạng Anh (Premier League), Cúp quốc gia của Anh (Cup FA) cũng như giải vô địch và cúp quốc gia Tây Ban Nha, Đức, Italia, Pháp; giải vô địch cấp câu lạc bộ khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ; giải vô địch cấp đội tuyển quốc gia khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Đại dương, châu Phi; giải bóng đá vô địch thế giới do FIFA tổ chức đối với bóng đá nam, bóng đá nữ và các giải trẻ; trận đấu được FIFA, liên đoàn bóng đá khu vực tổ chức, trận đấu giữa hai đội bóng thuộc hai liên đoàn bóng đá khác nhau ở tất cả các cấp đội tuyển quốc gia, đội tuyển bóng đá trẻ, câu lạc bộ tổ chức.
Về phía người chơi, hiện nay, để tham gia đặt cược các trận bóng quốc tế, người chơi đặt cược thông qua điện thoại, phải có tài khoản tham gia đặt cược đăng ký tại doanh nghiệp với thông tin cần khai báo là số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc số hộ chiếu (đối với người nước ngoài).
Về việc trả tiền vé đặt cược thông qua điện thoại, theo quy định hiện hành người chơi phải thực hiện qua tài khoản thanh toán mở tại các tổ chức tín dụng, tức là việc mua vé đặt cược qua thiết bị đầu cuối, không thực hiện trên tài khoản thanh toán.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ và phương tiện thanh toán điện tử, cũng như để tạo điều kiện thuận lợi cho người chơi, việc mở rộng các liên kết thanh toán là cần thiết.
Do mỗi loại hình thanh toán có những ưu điểm khác nhau, người chơi có thể lựa chọn mở tài khoản ngân hàng, tại dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử), doanh nghiệp viễn thông (tài khoản điện thoại trả trước).
Chính vì vậy, tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất: "Tài khoản mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin