Cú sốc thứ 2 cho Schooling ở SEA Games

07:30, 18/05/2022
Lượt bơi thảm họa của Joseph Schooling là bước ngoặt, mở đường cho chiến thắng lịch sử của đội bơi Việt Nam ở nội dung 4x200 m tiếp sức tự do nam tối 17/5 tại SEA Games 31.
 

Bước vào nội dung tiếp sức cuối cùng của bơi lội nam ở SEA Games, tuyển bơi Việt Nam tung đội hình rất mạnh với lần lượt Nguyễn Hữu Kim Sơn (trái), Nguyễn Huy Hoàng (phải), Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên (giữa) xuất trận.

 

Singapore đương nhiên vẫn là ứng viên vô địch ở nội dung này. Siêu sao Joseph Schooling xuất phát ở lượt bơi thứ 3 và sẽ là đối thủ của Hoàng Quý Phước bên phía Việt Nam. Sau sự cố tại nội dung tiếp sức ngày khai mạc, đội bơi Singapore đã nghiêm túc hơn rất nhiều.

 

Singapore vươn lên dẫn đầu sau lượt mở màn. Lúc này, hy vọng rút ngắn khoảng cách được giao vào tay Huy Hoàng.

 

Với đẳng cấp của tay bơi tự do số một Đông Nam Á hiện tại, Huy Hoàng không chỉ cân bằng mà còn vượt qua các VĐV mạnh của Singapore cũng như Malaysia. Khi lượt bơi của Hoàng kết thúc, đội Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu với thời gian 3 phút 38 giây 61, hơn đội nhì Singapore 1 giây (3 phút 39 giây 63).

 

Dẫn trước Singapore là điều Việt Nam từng làm được ở nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp. Khi đó, Schooling cũng vào trận từ lượt bơi số 3 và chấm dứt mọi hy vọng của Việt Nam. Nhiều người lo sợ điều tương tự sẽ lặp lại một lần nữa.

 

Nhưng bất ngờ đã xảy ra, Schooling chẳng những không rút ngắn được thời gian 1 giây kia. Anh còn bị Quý Phước nới rộng khoảng cách thêm. Trong hình, Schooling (giữa) bị Quý Phước bỏ lại ngay ở vòng bể đầu tiên.

 

Khi kết thúc lượt ba của Schooling, thời gian của đội Singapore là 5 phút 30 giây 93, kém Việt Nam tới hơn 3 giây (5 phút 27 giây 27).

 

Chừng đó là quá nhiều bởi tay bơi cuối cùng của Việt Nam là người đã giành 2 HCV cá nhân từ đầu đại hội Trần Hưng Nguyên. Trên bờ, Huy Hoàng (giữa) và Kim Sơn (phải) đã nhận ra họ sắp chiến thắng.

 

Cú nước rút thần tốc của Hưng Nguyên giúp anh bỏ xa các đối thủ xếp sau. Có những thời điểm, đường ngang bể bơi chỉ còn một mình chàng trai sinh năm 2003.

 

Hưng Nguyên không mắc một sai lầm nào, đưa đội Việt Nam về nhất với thời gian 7 phút 16 giây 31. Malaysia về nhì với 7 phút 19 giây 75, Singapore về thứ 3 với 7 phút 21 giây 49, kém Việt Nam hơn 5 giây.

 

Các kình ngư Singapore, trong đó có Schooling (giữa), thẫn thờ sau thất bại. Đây thực sự là cú sốc, bởi Singapore đã thống trị nội dung này trong 17 năm liên tiếp kể từ SEA Games 2005. Còn Việt Nam cho tới năm 2015 vẫn chưa xuất hiện ở top 3 nội dung này.

 

Không chỉ giành HCV, đội Việt Nam còn xô đổ kỷ lục cũ của chính người Singapore, thiết lập đỉnh cao mới tại đại hội. Chiến thắng này cực kỳ ý nghĩa vì Singapore đang là đương kim HCĐ nội dung này ở Asian Games 2018, là một trong 3 đội bơi mạnh nhất châu Á.

 

Schooling đứng lặng một hồi, trong khi các kình ngư Việt Nam tiến sang bắt tay những đối thủ. Các nội dung tập thể vốn là điểm mạnh nhất của Singapore, nền bơi lội số một Đông Nam Á nhiều năm qua.

 

Sau đó một lát, Schooling mới định thần, quay lại ôm chia vui cùng Quý Phước.

 

2 giây mà Schooling thua thêm trước Quý Phước là khác biệt quyết định giúp Hưng Nguyên có thể thoải mái bứt lên, đưa Việt Nam tới tấm HCV.

 

Khoảnh khắc Schooling ngước nhìn đội Việt Nam trên bục trao huy chương.

 

Trên bảng xếp hạng tổng, bơi Singapore vẫn đứng đầu với 15 HCV so với con số 7 của Việt Nam. Nhưng ở nhiều nội dung quan trọng, Schooling và đồng đội đã không còn là số một.

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện