Đảng lãnh đạo - những dấu ấn lớn lao
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về Đảng, ông có thể điểm lại những dấu ấn đậm nét nhất suốt chặng đường 89 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Nhìn lại chặng đường lịch sử phải khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Sự lãnh đạo ấy được thể hiện trên cương lĩnh, đường lối đúng đắn của Đảng từ năm 1930 tới nay. Cách mạng Việt Nam trong 89 năm qua đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác để có thành quả ngày hôm nay.
Nhìn lại có 3 thắng lợi vĩ đại đã được lịch sử dân tộc và bạn bè thế giới công nhận, đó là: Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cuộc cách mạng chấm dứt chế độ phong kiến, thuộc địa ở nước ta và mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc. Thắng lợi vĩ đại thứ hai đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Chúng ta đã chiến thắng những thế lực đế quốc mạnh nhất của thế kỷ XX, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn non sông, đất nước. Những chiến thắng vang dội lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa xuân năm 1975. Thắng lợi thứ ba là thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 tới nay. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đời sống của nhân dân được tăng cao. Những thắng lợi trong suốt 89 năm qua ta thấy đó như những nấc thang của sự phát triển đất nước, thắng lợi trước tạo tiền đề thúc đẩy cho sự thắng lợi sau. Thắng lợi sau củng cố nền tảng vững chắc cho các cuộc thắng lợi trước.
Tổng thể như Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã khẳng định: “Chưa bao giờ ta có được cơ đồ và vị thế như ngày hôm nay”. Cơ đồ ở đây chính là thành quả cách mạng, đất nước độc lập. Đời sống nhân dân cũng thay đổi. Vị thế của đất nước trong quan hệ quốc tế được tăng cao. Hiện tại chúng ta đã có quan hệ quốc tế với 187 nước về ngoại giao, quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước. Việt Nam cũng đã tham gia vào các tổ chức quốc tế.
Như vậy vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định những thắng lợi của cách mạng. Vậy trong sự lãnh đạo của Đảng, quan điểm về công tác cán bộ là như thế nào, thưa ông?
- Quan điểm của Đảng về công tác cán bộ đã nêu rất rõ trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII. Đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Đảng ta khẳng định lại quan điểm Bác Hồ đã nêu ra từ hơn 70 năm trước. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Mọi thành bại của cách mạng đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ tốt hay kém. Muôn việc thành công đều do cán bộ. Công cuộc đổi mới có những yêu cầu mới rất cao trên nhiều lĩnh vực càng đòi hỏi xây dựng đội ngũ cán bộ phải hội tụ đủ cả về phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn, uy tín chính trị trong quần chúng nhân dân. Với đội ngũ cán bộ như vậy mới có khả năng đưa đất nước phát triển. Trong đó đặc biệt chú ý cán bộ cấp chiến lược.
Như Hội nghị Trung ương 7 khẳng định, cán bộ cấp chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Ngoài những chuẩn mực chung của cán bộ như chúng ta đã xác định, đội ngũ này cần nhấn mạnh hơn những yêu cầu quan trọng hơn như phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nêu gương. Trong bối cảnh có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, yêu cầu về phẩm chất đạo đức của cán bộ cấp chiến lược càng phải nâng cao. Và đương nhiên, việc nâng cao đạo đức cách mạng này phải gắn với cuộc đấu tranh chống lại sự thoái hóa, biến chất, chống tham nhũng, chống quan liêu, chống việc chạy chức, chạy quyền…
Như ông vừa có nói về công tác cán bộ cần chú trọng về đạo đức chính trị, chống lại sự suy thoái, biến chất, tha hóa của cán bộ. Trong thời gian qua, Đảng cũng đã xử lý rất nhiều cán bộ có sai phạm. Ông có thể đánh giá rõ hơn về việc này?
- Cuộc đấu tranh chống lại sự suy thoái của cán bộ đảng viên trong Đảng đã được phát động ngay từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI năm 2012. Đặc biệt sau này, sau khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thì nhiệm vụ chống tiêu cực, chống suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên được làm bài bản hơn, với quyết tâm chính trị cao hơn. Do đó cũng mang lại kết quả rõ rệt hơn.
Tính từ Đại hội XII tới nay, chúng ta đã xử lý hơn 60 cán bộ cấp trung ương quản lý. Riêng năm 2018 xử lý 38 người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đồng thời trong năm này cũng xử lý kỷ luật tới 17.000 cán bộ, đảng viên. Và nếu có con số tổng quát thì từ năm 2012 cho đến hết năm 2016, chúng ta đã xử lý tới 74.000 cán bộ đảng viên. Chúng ta đã siết chặt kỷ luật, giữ nghiêm kỷ cương phép nước hơn rất nhiều, kiên quyết xử lý những cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp hay có những trường hợp cán bộ đã về hưu. Điều đó để thấy quyết tâm chính trị rất cao và cách làm cũng bài bản hơn. Việc xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm cũng là bài học cho tất cả những cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền tránh khỏi những sai phạm.
Quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, xử lý cán bộ sai phạm này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân rất nhiều về Đảng. Và hiệu quả rõ nét nhất chính là lòng tin của nhân dân vào Đảng. Điều đó thể hiện tính nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh. Cắt bỏ những “u nhọt”, quyết tâm làm trong sạch Đảng, đó là một trong những dấu ấn trong quyết tâm lãnh đạo của Đảng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Lao động