Nghệ An tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội miền Tây
Sáng nay (19/2), Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên TƯ Đảng, Ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2018.
Làm việc với đoàn, có các đồng chí Thái Thanh Quý - UV dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông - Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Giai đoạn 2012-2018, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số miền núi Nghệ An đạt gần 21.800 tỷ đồng, bình quân hàng năm đạt trên trên 3.100 tỷ đồng. Ngân sách TƯ đầu tư trên 20.700 tỷ đồng, trong đó vùng dân tộc thiểu số miền núi là 15 nghìn 740 tỷ đồng; Ngân sách địa phương bố trí thực hiện các cơ chế của tỉnh là 63 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018 đạt 8,4%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 29 triệu đồng, bằng 76,8% so với toàn tỉnh. Điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp nước, cấp điện, trường học, trạm y tế ... đã được nhiều cải thiện.
Tuy nhiên thực tế trong quá trình triển khai chương trình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân chính là trình độ dân trí đồng bào dân tộc thiểu số thấp, tập quán sản xuất lạc hậu; tình trạng du canh, di cư tự do trái phép vẫn xảy ra và nguồn lực đầu tư ngân sách tỉnh, huyện còn hạn chế; 1 số văn bản chậm được ban hành dẫn đến lúng túng, chậm trễ trong triển khai phân bổ…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị, trao đổi, làm rõ một số vấn đề về tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh; nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý; đặc biệt là làm rõ việc thực hiện các mục tiêu theo quyết định 1489 của thủ tướng chính phủ giai đoạn 2012-2015 và Quyết định 1722 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; bất cập về tiêu chí,cách thức tiêu chí giảm nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều; vấn đề đào tạo nghề, đào tạo cán bộ cơ sở…. cũng như các kiến nghị, đề xuất cụ thể của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội miền Tây. Tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; kêu gọi các nhà đầu tư, đưa nông nghiệp công nghệ cao vào vùng miền tây để góp phần nâng cao giá trị sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với đoàn nên xây dựng các tiêu chí về hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, hộ không có khả năng thoát nghèo để có các cơ chế khác nhau trong hỗ trợ, trợ giúp. Hạn chế việc đầu tư trực tiếp để loại trừ tư tưởng trồng chờ ỷ lại của các hộ nghèo mà tăng cường đầu tư gián tiếp như nhân rộng các mô hình có hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận những kết quả mà tỉnh Nghệ An đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số miền núi nói riêng.Thông qua cuộc giám sát, Đoàn sẽ kiến nghị lên Ủy ban thường vụ Quốc hội về những bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo trên ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Thanh Hà - Quốc Toàn