Nhân lên giá trị cốt lõi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Như Người đã viết:“Quần chúng chỉ quý mến những người có đủ tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bài thứ 3 và cũng là bài cuối của loạt bài về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đề cập những giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị với nhan đề:“Nhân lên giá trị cốt lõi, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương, trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cống hiến cho dân, cho nước, Bác Hồ luôn là tấm gương sáng, mẫu mực. Bởi vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), từng lời nói của Bác có sức hiệu triệu, thuyết phục lớn lao. Đó là yếu tố tiên quyết làm nên thành công của cuộc cách mạng.
“Noi gương Hồ Chí Minh, một con người với vị trí lãnh đạo cao nhất thể hiện tấm gương của người cán bộ lãnh đạo cách mạng. Cán bộ của chúng ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ trở thành những cán bộ gương mẫu. Lúc đó cán bộ nói là dân tin bởi vì đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Nên là niềm tin của nhân dân đặt hoàn toàn vào cán bộ. Cán bộ nói đi đôi với làm. Đó là động lực, là sức mạnh tạo ra nguồn lực chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược và chống đế quốc Mỹ”- PGS-TS Trần Minh Trưởng nói.
Trong bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào của đất nước, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách tốt đẹp, cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được thực hành nghiêm túc và được nhân lên bởi những tấm gương, những việc làm bình dị, nhưng lại có ý nghĩa to lớn, có sức lan tỏa sâu rộng. Đó là sức mạnh của sự nêu gương, của tinh thần “nói đi đôi với làm”.
Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh ấy, tinh thần ấy là bài học lớn trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, khi Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.
“Ở đâu cũng vậy, vai trò của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, nếu người đứng đầu gia đình cũng như xã hội gương mẫu thì con em trong gia đình cũng như nhân dân ngoài xã hội tin tưởng làm theo. Ở đây tôi muốn nói sức mạnh cảm hóa của người cầm đầu là quan trọng lắm. Đừng bao giờ nghĩ dùng quyền lực bắt mọi người tuân theo là phương án hay nhất.”- Nhà giáo nhân dân Trần Văn Bính chia sẻ.
Chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên không nói suông, không hô khẩu hiệu mà phải thông qua những việc làm thực tế. Các Nghị quyết, Quy định, Quy chế về kiểm soát quyền lực; về trách nhiệm nêu gương; về xử lý kỷ luật đảng viên sai phạm; về công tác cán bộ, đánh giá cán bộ được ban hành là giải pháp quan trọng, nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng cán bộ, làm trong sạch đội ngũ của Đảng.
Từ thực tiễn của địa phương khi thực hiện Chỉ thị 05, các quy định của Đảng về công tác cán bộ và trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo Bác, ông Thào Hồng Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng: “Qua giám sát, đôn đốc thường xuyên ở cơ sở chúng tôi đánh giá khách quan hơn, chân thành hơn đối với cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, đấy là trên xuống. Còn dưới cơ sở nhìn lên, đánh giá lại các đồng chí trong ban thường vụ thì chúng tôi cho rằng, đánh giá lại các đồng chí đó nói có đi đôi với làm không, xem các đồng chí có xuống cơ sở không?, xem vấn đề ra nghị quyết, kết luận của các đồng chí xem bà con nhân dân rồi đảng bộ, chi bộ đó có làm không, chính vì cái ngược lại đó đã giúp cho các đồng chí trong ban thường vụ tự mình nâng cao trách nhiệm của mình, tự mình đổi mới”
Giáo sư, Tiến sỹ, Chuyên gia cao cấp Hoàng Chí Bảo cho rằng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05, người đứng đầu, mỗi cán bộ, đảng viên cần nói đi đôi với làm, thường xuyên rèn luyện, tự đánh giá đúng bản thân, kiên quyết không buông thả, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường đầy những cạm bẫy và cám dỗ, thì mới tránh được sự hư hỏng, thoái hóa; mới góp phần nhân lên những giá trị cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Nói là khó cũng là khó mà không khó cũng là thực tế bởi đảng viên là phải gương mẫu và tiên phong, có khó anh cũng phải vượt lên, thế mới đòi hỏi tính gương mẫu tiên phong của đảng viên chứ. Đảng viên hãy nhìn vào quần chúng nhân dân của mình ở ngay nơi mình công tác sinh sống, ta thấy nhiều tấm gương cao quý và bình dị của những người dân bình thường để tự mình phải soi vào đấy để nâng mình lên". Giáo sư, Tiến sỹ, Chuyên gia cao cấp Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, nói không khó vì nó phải trở thành nhu cầu, mỗi đảng viên, cán bộ chúng ta hãy coi việc rèn luyện đạo đức như một nhu cầu thường xuyên, nhu cầu văn hóa, không cần ai thúc gục, không cần ai áp lực, thúc đẩy, nó là tự thân của chính mình, và trong đạo đức đây là phẩm giá của lòng tự trọng, cái chỗ mà chúng ta ít để ý, không giáo dục đảng viên phẩm chất về lòng tự trọng, có lương tâm, danh dự, biết xấu hổ khi làm điều sai, điều xấu, người ta ý thức được điều ấy thì trong hành vi hàng ngày không có sai phạm, phải thực hành văn hóa đạo đức như thế thì đời sống đạo đức trong đảng mới tốt được.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, và ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người phải tu dưỡng rèn luyện, đề cao giá trị của lòng tự trọng; những cán bộ, đảng viên mà hư hỏng, suy thoái, vi phạm phải nghiêm trị bằng pháp luật, và nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát đối với việc nêu gương.
“Nêu gương chỉ là một trong những biện pháp để làm Đảng trong sạch, nhất là chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp luật, ai làm trái luật thì phải bị nghiêm trị bằng pháp luật, không có ai nằm ngoài pháp luật, càng không có ai nằm trên pháp luật"- ông Nguyễn Viết Chức nói.
Ông Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, các cấp ủy, tổ chức đảng có chương trinh giám sát, kiểm tra với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, tiếp tục cụ thể hóa trong quy chế làm việc của các cấp ủy, chi bộ nơi các lãnh đạo tham gia sinh hoạt, có cơ chế phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, của nhân dân, của báo chí thì mới đảm bảo việc chấp hành.
Thực hiện chỉ thị 05 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng sẽ chỉ có kết quả thực chất khi trong cách nghĩ, cách làm, từng cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy:“Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin