Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quốc hội thảo luận về dự thảo luật giáo dục(sửa đổi), luật kiến trúc

18:29, 21/05/2019
 Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, hôm nay (21/5), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật kiến trúc và nghe các đại biểu quốc hội thảo luận về các dự án luật này.
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận,nhiều đại biểu đồng tình với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng quyền tự chủ cho các trường ở nhiều khâu, trong đó có việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, còn gọi là điểm sàn. Tuy nhiên, với ngành Sư phạm và ngành Y có cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định mức điểm sàn riêng. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An nêu ý kiến:

"Đối với 2 ngành là ngành đào tạo giáo viên và ngành lĩnh vực sức khỏe là những ngành liên quan đến con người nên ngưỡng đầu vào không chỉ giới hạn đối với trình độ đại học mà còn cần giới hạn đầu vào đối với trình độ cao đẳng. Vì hiện nay trình độ cao đẳng đang được quy định tại Luật giáo dục nghề nghiệp".

đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cũng góp ý về quy định Hội đồng trường là bắt buộc ở tất cả các loại hình trường nhằm bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường. Tuy nhiên, những quy định đối với Hội đồng trường của trường tư thục, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nhà trường; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường tương ứng với các loại hình.

"Tại Điều 55 Dự thảo luật quy định hội đồng trường là bắt buộc ở tất cả các loại hình trường. Tôi băn khoăn đối với hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục do tổ chức, cá nhân người nước ngoài, tổ chức quốc tế thành lập tại Việt Nam theo quy định Luật đầu tư thì có phải tổ chức Hội đồng trường với đầy đủ thành phần trường, gồm có thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, Chủ tịch Công đoàn, đại diện BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hay không? Và nếu quy định như trên thì Dự thảo Luật cần phải bổ sung quy định chuyển tiếp chuyển đổi thời hạn về cơ cấu quản lý trường Đại học tư thục từ Hội đồng quản trị, hội đồng tư thục trường do tổ chức, cá nhân người ngoài, tổ chức quốc tế thành lập tại Việt Nam và đang hoạt động theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, luật giáo dục hiện hành" - Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp chiều nay
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật kiến trúc.

Chiều nay (21/5), Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật kiến trúc, tại phiên thảo luận các đại biểu đồng tình với quy định bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam, hạn chế kiến trúc ngoại lai, phản cảm, nhưng cần làm rõ hơn nội hàm. Ông Trần Văn Mão – đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An  cũng đã đề nghị dự thảo hoàn chỉnh một số nội dung cụ thể. Trong đó nhấn mạnh: "về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu người sử dụng các công trình kiến trúc có giá trị không được tùy tiện thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài của công trình chức năng và không gian bên trong và khuôn viênn của công trình. Đề nghị Dự thảo quy định rõ thế nào là tùy tiện, để bảo đảm quyền, lợi ích của chủ sở hữu, người sử dụng các công trình kiến trúc có giá trị. Đồng thời việc quy định rõ ràng trong luật nhằm bảo đảm tính hài hòa giữa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân".

Ông Trần Văn Mão – đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An  cũng đã đề nghị dự thảo hoàn chỉnh một số nội dung cụ thể.

Các đại biểu cũng đồng tình quy định về hội đồng kiến trúc với tư cách là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ thành lập khi cần và làm việc kiêm nhiệm. Dự kiến dự án Luật kiến trúc sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
NTV