Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh VGP |
Kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày và chia thành 2 đợt. Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20/5 đến ngày 29/5. Đợt 2, họp tập trung tại nhà Quốc hội từ ngày 8/6 đến ngày 18/6/2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: bước vào năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kỳ họp thứ 9 sẽ là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển KT – XH năm 2020. Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm dân chủ, công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: TTXVN) |
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch COVID-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ khôi phục và phát kinh tế xã hội đất nước đòi hỏi cần đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi. Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách, bội chi ngân sách, nợ công.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8. Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và các nội dung liên quan.
Tại buổi làm việc chiều nay, Quốc hội tập trung thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn EVFTA. Trong đó, tập trung vào 2 nội dung quan trọng nhất là các vấn đề pháp lý cần xử lý để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra trong hiệp định. Cũng như những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa Hiệp định vào cuộc sống. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, hoàn thành quá trình phê chuẩn, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm Hiệp định có hiệu lực qua kênh ngoại giao. Hiện tại, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe tờ trình về việc đề nghị phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Thảo luận về việc phê chuẩn công ước và giải trình ý kiến của đại biểu./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin