Thời sự - Chính trị

Sẽ có 5 đến 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền Việt Nam trong năm 2021

11:15, 04/06/2021

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng nay (4/6), Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Trong đó có 14 cơn bão; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng. Thiên tai cũng đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về nhà cửa, các công trình và sản xuất chăn nuôi 40.000 tỷ đồng.

Năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử. (Ảnh chụp toàn màn hình)

Trong năm 2021, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khả năng xảy ra 12 đến 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 5 đến 7 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các sông ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2.

Rút kinh nghiệm từ thực tế chỉ đạo và trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chú trọng phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai đảm bảo kịp thời, đủ độ tin cậy; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An.


Bên cạnh đó, các Bộ ngành, địa phương cũng cần nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; Phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và toàn dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại hội nghị các bộ, ngành, một số địa phương cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề và những cơ chế chính sách đặc thù cần được Chính phủ và các Bộ ngành hỗ trợ để công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị: các địa phương tập trung kiện toàn BCH phòng chống thiên tai. Các bộ ngành tham mưu bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn tại địa phương. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập. Sẵn sàng phương án ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Chính phủ sẽ quan tâm đến các chính sách đặc thù để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai.  .

 

Nguyễn Toàn - Sỹ Đạt

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện