Chiều 9/7, tại cuộc họp với các tỉnh lân cận TP HCM là Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc. Người từ TP HCM về các địa phương phải khai báo y tế, lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ để có phương án cách ly, xét nghiệm phù hợp.
Ông yêu cầu trong nửa tháng tới, các tỉnh cùng TP HCM "cố gắng tranh thủ thời gian, thực hiện quyết liệt các biện pháp để cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh". Những khu vực đã cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải làm nghiêm, tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng. Các địa phương tập trung kiểm soát hoạt động cơ quan, nhà máy, xí nghiệp theo hướng duy trì sản xuất nhưng an toàn. Chính quyền địa phương kiểm tra, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, xử lý nghiêm người vi phạm.
"Khoanh hẹp mà chặt thì chống dịch vất vả, kinh tế đỡ thiệt hại. Khoanh rộng và chặt thì chống dịch đỡ vất vả nhưng ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn. Song nếu khoanh mà không chặt thì thiệt hại sẽ rất lớn. Sau khi đã khoanh vùng, phải điều chỉnh truy vết, xét nghiệm phù hợp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Các tỉnh kết hợp linh hoạt giữa xét nghiệm nhanh và PCR, phù hợp với từng tình huống, điều kiện cụ thể; lấy mẫu có trọng tâm, đến tận thôn, xóm, khu phố, thậm chí đến từng gia đình. Người già, có bệnh nền hoặc có triệu chứng cần được xét nghiệm tại nhà; không để tập trung đông người khi lấy mẫu hay tiêm vaccine.
Ông Đam nhấn mạnh, nguyên tắc tốc độ lấy mẫu đồng bộ với tốc độ xét nghiệm, trả kết quả trong ngày, "không chạy theo phong trào, để tồn đọng mẫu". Các tỉnh chuẩn bị cơ sở riêng để điều trị F0 không có triệu chứng. Nếu có quá nhiều F1 thì cách ly tại nhà, đảm bảo không lây nhiễm chéo trong khu tập trung.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với các địa phương về phòng chống Covid-19. |
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định "nếu không tận dụng được cơ hội trong thời gian cách ly xã hội cùng TP HCM thì sẽ có nguy cơ cao". Vì vậy, tỉnh sẽ tận dụng 15 ngày để truy vết, dập dịch sớm nhất.
Tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ kiểm soát chặt người ra vào, thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển, số điện thoại liên hệ...
Tỉnh Bình Dương đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó với tình huống 2.000 ca nhiễm. Xác định nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao, tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ thiết bị, nhân lực, gỡ vướng cơ chế mua máy xét nghiệm, sinh phẩm.
Tỉnh Long An đã khống chế các ổ dịch trong bệnh viện, khu công nghiệp. Tuy nhiên, địa phương có đến 36.000 người làm việc tại TP HCM; 20.000 người TP HCM làm việc tại tỉnh. Vì vậy, thời gian tới tỉnh sẽ quản lý chặt lao động qua lại.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp với tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, đánh giá năng lực truy vết, xét nghiệm hai địa phương "còn rất hạn chế".
Nhắc lại quan điểm khoanh vùng chặt, ông Đam dẫn chứng: "Giống như một khu rừng, nếu khoanh bên ngoài, không vào dập bên trong thì cháy cả khu rừng, còn nếu chỉ khoanh từng phân khu thì vất vả dập từng đám cháy nhỏ". Vì vậy, hai tỉnh cần đánh giá nơi nào nguy cơ cao thì nâng lên một mức, nơi an toàn thì sớm dỡ phong tỏa, giãn cách. "Đã giãn cách là phải thật chặt, ai ở chỗ nào, ở yên chỗ đó nếu không là không kiểm soát được", ông Đam nói.
Với những nơi đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, ông Đam đề nghị khẩn trương xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt ở nhà máy, khu công nghiệp. Bộ Y tế sẽ cử một kíp vào hỗ trợ tỉnh Phú Yên. Bộ phối hợp với Khánh Hòa tính toán số lượng, phương án phân bổ xét nghiệm nhanh, kết hợp với PCR.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, do F1 tăng nhanh nên tỉnh dự kiến sẽ cách ly tại nhà. Tuy nhiên, ông bày tỏ trăn trở vì năng lực điều trị của tỉnh còn yếu. Tỉnh đã chuẩn bị 7 nơi điều trị F0, mỗi nơi 100 giường. Ông Thế đề nghị trung ương hỗ trợ bác sĩ, test kháng nguyên, vaccine...
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng bày tỏ lo lắng, về nhân lực trước mắt có thể đáp ứng nhu cầu, nhưng khi dịch phức tạp thêm, vượt quá khả năng thì cần trung ương hỗ trợ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin