Thời sự - Chính trị

Luật Cảnh sát cơ động cần thiết và quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới

11:47, 26/10/2021
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, sáng 26/10, thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu Quốc hội cơ bản cho rằng, việc xây dựng Luật thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 là rất cần thiết và quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Trung ương sáng 26/10.
Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Trung ương.

Thực tế những năm gần đây, hoạt động chống phá kêu gọi biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch, phản động, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các yếu tố an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và gia tăng hơn. Trong nhiều vụ việc “nóng”, phức tạp về an ninh trật tự, các tình huống xã hội đặc biệt, lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát huy được vai trò rất lớn trong giải quyết, ổn định tình hình ở những giai đoạn cam go nhất, cần phải sử dụng đến những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ.

Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, giúp phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng cảnh sát cơ động cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là nội dung được các đại biểu xác định là quan trọng vì hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động rất đặc thù, tác động trực tiếp đến các quyền của công dân.

Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Nghệ An.

Ghi nhận sự kỹ lưỡng, cầu thị và đảm bảo các quy trình xây dựng Luật, các đại biểu cơ bản thống nhất với tên gọi, bố cục và các nội dung của dự án luật; Nhất trí với quy định tại Điều 3 về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động. Trong đó, việc xác định cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Bộ Công an, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách sử dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội là phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Luật Quốc phòng và Luật Công an nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo phải tiếp tục chỉnh lý để làm sáng tỏ hơn yếu tố chuyên trách, tính đặc thù trong việc sử dụng biện pháp vũ trang của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác.

Đồng thời, cần quy định cụ thể các trường hợp điều động cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp cấp bách.

Tại Khoản 6 Điều 10 có quy định về các trường hợp cảnh sát cơ động được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, thiết kế công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan tổ chức. Các đại biểu cho rằng, đây là điều khoản có liên quan đến quyền công dân, sẽ là vấn đề nhạy cảm trong triển khai thực tế. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu đánh giá thêm về một số vấn đề liên quan.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, cần quy định phạm vi địa bàn hoạt động của Cảnh sát cơ động để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng.

Ngoài làm rõ tính đặc thù, khác biệt với các lực lượng khác thì cũng không quy định lại những nội dung đã được quy định trong Luật Công an nhân dân và cần thống nhất với các luật khác có liên quan đến lượng Cảnh sát biển hay Biên phòng.

Xuân Hướng - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện