Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, kế thừa các thành tựu lập pháp của giai đoạn trước, Quốc hội khóa XIV đã tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, tập trung xây dựng và ban hành số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành tổng số 126 luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, có những luật, chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn…
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, qua thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định giúp đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Pháp luật trong một số lĩnh vực chưa đầy đủ hoặc chưa được cập nhật để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số văn bản còn thiếu tính ổn định; quy định trong một số luật còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể để áp dụng được ngay. Ngược lại, một số văn bản điều chỉnh các vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm đầy đủ trong thực tiễn nhưng lại quy định quá cụ thể dẫn đến nhanh bị lạc hậu, hoặc tính khả thi thấp. Chất lượng công tác lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, dẫn đến tình trạng lùi, rút dự án hoặc bổ sung dự án mới còn khá phổ biến.
Để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, việc xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hết sức cần thiết.
8 nhóm định hướng lớn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; dự báo tình hình kinh tế - xã hội có tác động đến công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV; rà soát, tổng hợp các chủ trương, nhiệm vụ xây dựng pháp luật tại Nghị quyết Đại hội XIII, các văn kiện khác của Đảng, Hiến pháp và đề xuất của các cơ quan, tổ chức có liên quan, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV báo cáo Bộ Chính trị.
Ông Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, Đề án xác định mục tiêu công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, gắn với 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tập trung thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối được xác định tại các văn kiện Đại hội XIII để hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đại hội XIII của Đảng, các quan điểm chỉ đạo và yêu cầu đối với việc xác định các định hướng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Đề án xác định 8 nhóm định hướng lớn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, bám sát các nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước được đề ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó có một số định hướng nổi bật gồm: Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tận dụng tối đa các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Bên cạnh đó là hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, trọng tâm là pháp luật về đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
Các định hướng tiếp theo là: Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nội luật hóa đầy đủ, kịp thời cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện pháp luật để cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Ngoài ra, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện quy trình lập pháp, cơ chế giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tạo lập khung pháp lý cho sự vận hành của Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới, hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, về phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng.
Trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn trên và 70 định hướng cụ thể, căn cứ vào quỹ thời gian thực tế và khả năng thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất. Trong đó, có 12 nhiệm vụ thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; cùng 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành và 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới. Đề án đã dự kiến phân công cơ quan, tổ chức thực hiện và thời hạn hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu. Trong số 137 nhiệm vụ lập pháp nêu trên, đến nay các cơ quan đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, trong đó có 13 dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2021 và 2022; có 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2022.
Với tinh thần chủ động đi trước một bước, chuẩn bị từ sớm, từ xa, việc nghiên cứu, rà soát đối với các nhiệm vụ lập pháp cần được các cơ quan, tổ chức tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ (2022 - 2023) để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các năm trong nhiệm kỳ. Trong đó, năm 2022, ngoài 8 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đã được (hoặc đang được đề nghị) đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, có một nhiệm vụ đã hoàn thành rà soát và đưa vào Kế hoạch công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn 95 nhiệm vụ cần được thực hiện và hoàn thành trong năm 2022. Trong số này, có 43 nhiệm vụ có tiến độ hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát trước ngày 30/6/2022; 52 nhiệm vụ cần hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát trước ngày 31/12/2022.
“Đây là khối lượng công việc rất lớn và đòi hỏi rất khẩn trương. Do đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cần chỉ đạo sát sao, có kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể trách nhiệm triển khai thực hiện và quyết liệt đôn đốc, kiểm tra, giám sát để bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn, có chất lượng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin