Thời sự - Chính trị

Đề xuất chương trình giám sát 2023 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội

11:42, 19/04/2022
Theo đề xuất, Quốc hội giám sát hai chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề.

Sáng 19-4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hôi (QH) thảo luận báo cáo dự kiến chương trình giám sát của QH, Uỷ ban Thường vụ QH năm 2023.

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký QH đã dự kiến Chương trình giám sát của QH và Ủy ban Thường vụ QH năm 2023.

Theo đó, QH giám sát hai chuyên đề và Ủy ban Thường vụ QH giám sát hai chuyên đề, được lựa chọn trong số năm chuyên đề.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: quochoi.vn
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: quochoi.vn

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Sau khi thảo luận, xin phiếu ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH đã chọn chuyên đề 1, 2, 3, 4.

Với bốn chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH lựa chọn hai chuyên đề để giám sát tối cao, hai chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ QH giám sát và báo cáo QH.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về tổng rà soát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ giai đoạn 2011 đến nay, vì tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp, có quy mô lũng đoạn nhà nước; sự trì trệ trong quản lý điều hành ở không ít nơi; chất lượng xây dựng và ban hành thể chế đều bắt nguồn từ chất lượng nhân sự của bộ máy.

Tổng Thư ký QH cho rằng việc lựa chọn các chuyên đề giám sát được thực hiện theo quy trình chặt chẽ được quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của QH và phù hợp với đa số đề xuất của các cơ quan, các Đoàn đại biểu QH.

Tuy nhiên, chuyên đề đề nghị bổ sung là vấn đề được cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Do vậy, căn cứ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký QH sẽ đề xuất đưa vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn hoặc Chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH vào thời điểm thích hợp.

Tổng thư ký cũng cho hay nhiều cơ quan đề xuất giám sát liên quan đến đất đai nhưng chưa được lựa chọn. Lý giải nguyên nhân, Tổng Thư ký cho biết hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được điều chỉnh trình QH cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4. Dự án Luật này sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).

“Trong quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của QH sẽ tham gia để phối hợp lựa chọn các vấn đề chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm để giám sát, khảo sát”- ông Bùi Văn Cường nói.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện