Thời sự - Chính trị

Đoàn ĐBQH Nghệ An đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại phiên thảo luận tổ

20:50, 25/05/2022
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác. Tại phiên thảo luận, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nghệ An đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ.

Qua thảo luận các đại biểu quốc hội cho rằng, năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời. Kinh tế vĩ mô ổn định, tín dụng tăng trưởng, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai tích cực. Bên cạnh kết quả đạt được, một số đại biểu chỉ rõ 5/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu, phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam cần có chính sách mở cửa nhất quán để không bỏ lỡ cơ hội và cần các giải pháp đột phá hơn để phục hồi mạnh mẽ, bắt nhịp tăng trưởng.

a
Đại biểu Trần Đức Thuận – Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Trần Đức Thuận – Đoàn ĐBQH Nghệ An nhấn mạnh: Giá cả các mặt hàng hiện đều đã tăng. Giá xăng cũng đã tăng lên mức kỷ lục. Giá xăng tăng sẽ kéo theo các mặt hàng khác tăng, dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

a
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH Nghệ An nêu ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH Nghệ An cho rằng, báo cáo cần đưa ra các giải pháp cho việc xử lý khó khăn, vướng mắc khi thực hiện vấn đề này. “Theo chương trình xây dựng Pháp luật năm 2023, chưa thấy Chính phủ đề xuất đưa nhiệm vụ này vào. Trong báo cáo mới chỉ ra được khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan và chủ quan mà chưa đưa ra được giải pháp để tháo gỡ trong thời gian sắp tới”, đại biểu Minh nói thêm.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Vân Chi làm rõ thêm về số tiền 56.000 tỷ đồng ngân sách của năm 2021 chưa giải ngân được phải chuyển sang năm 2022.

Tham gia thảo luận, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH Nghệ An cho rằng cần có một tổng điều tra về số hộ nghèo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thậm chí bản đồ số quốc gia về hộ nghèo với các dữ liệu, nhu cầu của từng hộ để từ đó có cách hỗ trợ đúng và kịp thời, công khai, minh bạch. “Phải nắm được tất cả nhu cầu của các hộ nghèo để phân tích xã hội, lập thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, thậm chí bản đồ số quốc gia, vừa để phân bố công khai nội dung kêu gọi và phân bổ ngân sách”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nói thêm.

a
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật; nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)./.

Hoàng Hà - Thanh Tùng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện