Kết luận nêu rõ các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị đã được hình thành, bổ sung và phát triển qua nhiều giai đoạn; cơ bản bảo đảm được sự ổn định và đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của Đảng.
Tuy nhiên, do chưa có quy định tổng thể, đồng bộ về chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều thứ bậc, nên việc vận dụng chức vụ tương đương trong sắp xếp, bố trí cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ còn nhiều bất cập...
Do vậy, cần thiết phải rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18, 26 27 khoá XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5. |
Sau khi xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị kết luận ban hành danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 nhóm.
Một là nhóm chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Trong đó, nhóm chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt bao gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Nhóm chức danh, chức vụ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc gồm: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội.
Hai là nhóm chức danh, chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, nhóm chức danh, chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý gồm 3 bậc.
Bậc 1 gồm có: Ủy viên Trung ương chính thức (Ủy viên Trung ương dự khuyết đang đảm nhiệm vị trí công tác nào thì được xác định vị trí thứ bậc và hưởng các chế độ, chính sách theo chức vụ đang công tác); Trưởng ban đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng biên tập báo Nhân Dân, Tổng biên tập tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bậc 2 gồm có: Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; Chủ tịch HĐND, UBND TP Hà Nội, TP.HCM; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bậc 3 gồm có: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Các chức danh do Ban Bí thư quản lý cũng chia thành 3 bậc.
Bậc 1 gồm có: Phó trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương; Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó tổng biên tập báo Nhân Dân; Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó chánh án TAND Tối cao: Phó viện trưởng VKSND Tối cao.
Bậc 2 gồm có: Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó tổng kiểm toán Nhà nước; phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn; phó bí thư tỉnh ủy, thành uỷ, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; trợ lý các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; trợ lý thường trực Ban Bí thư.
Bậc 3 gồm có: Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia; Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Thẩm phán TAND Tối cao, Kiểm sát viên VKSND Tối cao.
Ba là nhóm chức danh, chức vụ thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý.
Nhóm này gồm có các cấp: tổng cục trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng và tương đương; vụ trưởng và tương đương; phó vụ trưởng và tương đương; trưởng phòng và tương đương; phó trưởng phòng và tương đương; cán bộ xã, phường, thị trấn.
Bộ Chính trị yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương quán triệt và thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị; chịu trách nhiệm tiếp tục rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục do Bộ Chính trị ban hành. Đồng thời bảo đảm sự kế thừa, ổn định của tổ chức bộ máy, chỉ điều chỉnh những vị trí thật sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp; một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất đề xác định chức danh lãnh đạo.
Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương xây dựng đề án danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong quân đội nhân dân và công an nhân dân bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, công an; đồng bộ, thống nhất với các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong hệ thống chính trị. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định nội dung này.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách về vị trí công tác, số lượng chức danh, chức vụ cán bộ và bảng lương chức vụ đồng bộ với bảng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong hệ thống chính trị do Bộ Chính trị ban hành.
Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin