Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. |
Nỗ lực giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến những vấn đề về tín dụng, lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành lãi suất, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên thực tế, trong những năm qua, bằng rất nhiều các giải pháp điều tiết tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống và có các giải pháp để làm cho mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Theo Thống đốc, những năm trước, lãi suất rất cao nhưng đến thời điểm năm 2020 - 2021, lãi suất đã được giảm.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, việc điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu áp lực khá lớn từ bên ngoài. Thực tế cho thấy, tình trạng lạm phát đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và ngân hàng trung ương các nước đều có xu hướng tăng lãi suất lên rất cao từ năm 2021. Đối với trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, khi hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại, lãi suất tín dụng tăng đến 8% là mức khá cao so với mục tiêu định hướng của cả năm 2022 là 14%. Trước áp lực rất lớn, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết và cơ bản ổn định được mặt bằng lãi suất (chỉ tăng 0,9 % so với năm ngoái).
Trước câu hỏi của đại biểu là trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có đưa ra là phải giảm 0,5 đến 1% lãi suất cho vay năm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Mục tiêu của Nghị quyết 43 là thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế -xã hội 5 năm cũng như hàng năm. Chính vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành trên cơ sở kết hợp tất cả các công cụ, giải pháp đảm bảo kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Thống đốc Nhân hàng cho biết, nếu có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm các chi phí trong hoạt động để cố gắng giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế và bị hạn chế hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác về tình hình tài chính, khả năng quản trị hay thương hiệu trên thị trường, khiến tín nhiệm của các doanh nghiệp này chưa được cao, trong khi thực hiện các thủ tục cho vay vốn, các tổ chức tín dụng sẽ phải đánh giá trên tín nhiệm của từng doanh nghiệp để đưa ra những mức lãi suất khác nhau...Thời gian qua, khi dịch bệnh hoành hành, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân (Tổng lãi suất giảm trong 2 năm qua khoảng 48.000 tỷ đồng). Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đây cũng là những cố gắng chia sẻ của hệ thống ngân hàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về việc tiếp cận tín dụng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có những điểm hạn chế nên không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng, vì các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo nguyên tắc khi cho vay, khách hàng phải đảm bảo khả năng trả nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ có một số Nghị định để tháo gỡ khó khăn và có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, 29 quỹ tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn.
Quyết tâm xử lý tình trạng nợ xấu
Bên cạnh kết quả đạt được, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xuất phát từ: Công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; Quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù còn một số vướng mắc, nhưng có một điều rất quan trọng được quy định trong Nghị quyết 42 là cho phép người cho vay thu giữ tài sản đảm bảo, được bán những tài sản đảm bảo có thể cao hơn hoặc có thể thấp hơn giá trị giúp cho việc giải quyết nợ xấu hiệu quả hơn. Trong số 541.000 tỷ đồng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, có tới 380.000 tỷ đồng được xử lý sau đó, trong đó khoảng 40% là khách hàng tự trả nợ.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng, đây chỉ là những khoản nợ theo phạm vi của Nghị quyết 42. Thực tế vẫn có những khoản vay có thể phát sinh nợ xấu, nhất là khi nền kinh tế chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhiều khoản vay đã được các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, nếu hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch không giúp được doanh nghiệp trả nợ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để cố gắng khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong Nghị quyết 42.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xử lý, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã rất khó do nền kinh tế của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng của hệ thống ngân hàng. Trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta chịu tác động bởi đại dịch trong 2 năm vừa qua, cùng những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới cũng tác động đến nền kinh tế và hoạt động của tổ chức tín dụng, đề án tái cơ cấu sẽ càng khó hơn.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì và đã có báo cáo giải trình các cấp có thẩm quyền về chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp triển khai với mục tiêu là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là trên hết, tạo sự yên tâm cho người gửi tiền.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ cao đã xuất hiện rất nhiều hoạt động vay qua các trang web. Hoạt động này đã xuất hiện ở Mỹ, Anh cách đây khoảng chục năm và những năm gần đây lan sang các nước châu Á cũng như Việt Nam. Ở Trung Quốc, có thời điểm mấy, nghìn trang web như vậy được thành lập để thực hiện cho vay dựa trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai ở các nước châu Á đã xảy ra hiện tượng là không tách bạch giữa tiền của người cho vay và người đi vay. (Có thể người lập ra trang sàn công nghệ đấy lại là người đi vay hoặc là người cho vay) nên gây mất an toàn trật tự xã hội. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với các bộ, ban, ngành để nghiên cứu. Ngân hàng Nhà nước đã cùng với các bộ, ngành có một cuộc khảo sát, đánh giá và xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động cho vay này để có hành lang pháp lý, đảm bảo việc này phải hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả dựa trên cơ sở, kinh nghiệm các nước để hạn chế những rủi ro có thể phát sinh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin