Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, bắt đầu từ sáng nay 1/6 đến hết buổi sáng ngày mai 2/6, các đại biểu thảo luận hội trường về hai nội dung rất quan trọng. Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Đó là đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận này.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021 và có 5/12 chỉ tiêu không đạt.
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, theo Phó Thủ tướng, việc cơ bản kiểm soát dịch bệnh thành công đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động đời sống kinh tế, xã hội trở lại bình thường, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.
Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tính chung 4 tháng, có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu (như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém ...).
Về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tới nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường; SEA Games 31 được tổ chức rất thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước…
Đại biểu Quốc hội thảo luận trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 3. |
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, kiểm soát lạm phát năm 2022 còn gặp khó khăn, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.
"Cần đặc biệt chú ý tới nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nghiên cứu kịch bản giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó nếu giá dầu biến động lớn, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, cần làm rõ trách nhiệm", cơ quan thẩm tra lưu ý.
Thu ngân sách 4 tháng tăng 13,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn thấp. Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm, 4 tháng đầu năm đạt 1.967 tỷ đồng/30.000 tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán.
Nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Đặc biệt là hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi trên thị trường cổ phiếu…/.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin