NTV trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế!
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày diễn văn khai mạc buổi lễ. |
- Kính thưa đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam;
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam;
- Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;
- Kính thưa các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Quân khu 4, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo tỉnh Nghệ An;
- Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý; Thưa toàn thể nhân dân!
Hôm nay, trong không khí đầu xuân Quý Mão, tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu (năm 713- năm 2023); đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế và Lễ hội đền Vua Mai năm 2023.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng toàn thể quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể nhân dân những lời chúc tốt đẹp nhất.
Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa toàn thể nhân dân!
Trong chiều dài của lịch sử dân tộc, Nghệ An được xem là đất "trọng trấn" của quốc gia, được nhiều triều đại dựa vào để chống giặc, giữ nước và dựng nên đại nghiệp. Ngay trong thời kỳ chống Bắc thuộc, vùng đất này đã ghi dấu ấn đậm nét của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cách đây 1310 năm, gắn với công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan, lật đổ ách thống trị của nhà Đường, giành lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc sau nhiều thế kỷ bị các thế lực phong kiến phương Bắc đô hộ, thống trị.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự buổi lễ. |
Mai Hắc Đế, tên chữ là Mai Thúc Loan, sinh năm Canh Ngọ (670). Thân mẫu Mai Hắc Đế sinh ra và lớn lên ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Theo truyền thuyết, sau khi mang thai, bà đã chuyển đến thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) sinh sống. Bà sinh hạ con trai và đặt tên là Mai Thúc Loan.
Lúc bấy giờ, nước ta dưới sự đô hộ của nhà Đường, Nhân dân trăm họ lầm than, oán thán. Năm Quý Sửu 713, ở đất Hoan Châu (thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), Mai Thúc Loan đã phất cờ khởi nghĩa.
Ông phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người dân đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Với tài năng quân sự và ngoại giao đặc biệt, Ông đã chiêu tập quân của 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Xảo Oa, Ja Va để đánh giặc. Vùng đất Vạn An được chọn để xây dựng đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, cùng với một hệ thống căn cứ: Vệ Sơn, Hùng Sơn, Thung Sơn, Biều Sơn, Liêu Sơn.
Được sự ủng hộ của nhân dân ở lưu vực sông Lam và các châu quanh vùng, Mai Thúc Loan cùng ba quân tướng sỹ nhanh chóng lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở Hoan Châu. Chớp thời cơ thuận lợi, Mai Thúc Loan dẫn đại quân giải phóng toàn bộ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), rồi thẳng tiến ra đồng bằng Bắc Bộ, bao vây, tiến công, hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội).
Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, xưng là Mai Hắc Đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng nhằm xây dựng, củng cố, duy trì nền độc lập tự chủ, mang lại cuộc sống an lạc, thanh bình cho trăm họ muôn dân suốt hơn 10 năm (từ năm 713 đến năm 723).
Sự kiện Mai Thúc Loan xưng Đế, dựng xây đất nước là minh chứng hùng hồn cho khát vọng độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, thoát khỏi mọi sự ràng buộc, lệ thuộc vào các thế lực phong kiến phương Bắc của dân tộc Việt Nam nói chung và các thế hệ người dân xứ Nghệ nói riêng. Đã tròn 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu bùng nổ nhưng tinh thần, khí phách, ý chí quật cường, khát vọng độc lập tự chủ của Mai Hắc Đế và dân tộc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.
Các đại biểu dự buổi lễ. |
Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa toàn thể nhân dân!
Cuộc đời, sự nghiệp của Mai Hắc Đế khởi nguồn và gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Nam Đàn mà từ lâu được biết đến là “trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”, nơi những trầm tích văn hóa được tạo dựng và kết tinh qua chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Con người Nam Đàn có truyền thống nhân văn, hiếu học với nhiều làng học nổi danh như: làng Trung Cần, làng Hoành Sơn, làng Xuân Hồ, làng Xuân Liễu, làng Chung Cự.
Thời nào mảnh đất này cũng xuất hiện những anh hùng, chí sỹ, những danh nhân kiệt xuất làm rạng danh cho quê hương, đặc biệt nơi đây đã sinh thành và nuôi dưỡng những vĩ nhân kiệt xuất của các thời đại như: Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử đáng tự hào đã bồi đắp cho Nam Đàn một hệ thống di sản văn hóa truyền thống phong phú, nhiều màu sắc với 173 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng gồm: 12 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh và là địa phương cấp huyện duy nhất trong cả nước đến thời điểm hiện nay có 04 di tích quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Đình Hoành Sơn và đền thờ Vua Mai Hắc Đế).
Cùng với đó là các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc về lễ hội, phong tục, tập quán, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm với điệu hát Ví phường vải, ví đò đưa Sông Lam... Hệ thống di sản văn hóa này là minh chứng cho bề dày văn hóa của vùng đất và là tiềm năng cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong niềm hân hoan, tự hào của Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu và khai hội Lễ hội đền Vua Mai năm 2023, tỉnh Nghệ An vui mừng được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Vua Mai Hắc Đế,
Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu mà nhân dân cả nước nói chung, người dân xứ Nghệ nói riêng đã tri ân, hương khói thờ phụng vị anh hùng dân tộc suốt nhiều thế kỷ qua;
Quần thể gồm nhiều hạng mục di tích đều nằm ở trung tâm căn cứ địa xưa của cuộc khởi nghĩa. Nơi mảnh đất đã chứng kiến những năm tháng rất đỗi hào hùng mà thấm đẫm máu xương của vua Mai Hắc Đế và ba quân tướng sỹ trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu oanh liệt của dân tộc.
Điều đặc biệt là dù đã trải qua hàng nghìn năm, di tích vẫn tồn tại và song hành với lễ hội đặc sắc gắn với các truyền thuyết về vua Mai Hắc Đế lừng danh và được tổ chức hàng năm trang trọng, linh thiêng, là minh chứng sâu sắc cho vai trò, vị trí của Mai triều trong lòng dân chúng cũng như dấu ấn của một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Việc di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn là sự xác lập cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho việc bảo tồn phát huy các giá trị lâu dài cho di tích.
Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa toàn thể nhân dân!
Kế thừa truyền thống, dựng nước và giữ nước của cha ông, mảnh đất Hoan Châu xưa và Nghệ An hôm nay đã có nhiều thay đổi lớn lao. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 10 cả nước.
Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, là một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt.
Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bồi đắp, làm nền tảng để xây dựng những giá trị mới. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.
Các đại biểu dự buổi lễ. |
Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế hôm nay được tổ chức đúng ngày khai hội Lễ hội đền Vua Mai năm 2023, là dịp để chúng ta tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những giá trị lịch sử - văn hóa lớn lao của dân tộc được tạo dựng, bồi đắp, đánh đổi cả bằng máu xương của cha ông qua hàng nghìn năm.
Dấu ấn lịch sử qua hệ thống di sản văn hóa và ý chí tự cường, độc lập, tự chủ mà cha ông để lại sẽ là sức mạnh tinh thần cho hậu thế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tiếp nối truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, mỗi cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên;
Tích cực đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để xây dựng tỉnh Nghệ An giàu về kinh tế; mạnh về chính trị và quốc phòng, an ninh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thỏa nguyện ước mong của các bậc tiền nhân.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giành tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ quý báu cho Nghệ An trong suốt chặng đường phát triển đã qua, cũng như trong quá trình hoàn thành hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế;
Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí.
Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quý vị đại biểu, khách quý, toàn thể nhân dân luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và năm mới giành được nhiều thắng lợi mới.
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Tiêu đề do BBT đặt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin