Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì tại điểm cầu trung tâm. Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. |
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả ngành Nội chính Đảng quý I/2023 và hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến nay. Chỉ trong thời gian ngắn thành lập và đi vào hoạt động, nhiều vụ án, vụ việc đã được đưa vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra cũng được chỉ đạo tăng cường để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, qua rà soát đã quyết định đưa 343 vụ án, 197 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Tại hội nghị, nội dung, giá trị cốt lõi của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã được quán triệt.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân; có tác dụng khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị trong thời gian tới Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quán triệt 3 điểm lớn. Đó là, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ. Mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không được cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bởi bất cứ lực cản không trong sáng nào. Phát huy nhân tố hàng đầu chính là vai trò gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. |
Cùng với đó, Trưởng ban Nội chính Trung ương yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và chế độ làm việc, quan hệ công tác theo Quy định số 67 của Ban Bí thư. Trong đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có chức năng chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố; không làm thay, lấn sân nhiệm vụ các cơ quan chức năng. Kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, mắt xích yếu, bảo đảm bộ máy của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được vận hành thông suốt, thực hiện đúng chức năng; dứt khoát thực hiện đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là “ai không làm thì đứng ra một bên cho người khác làm”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin