Dự và chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. |
Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. |
Cũng tại phiên họp thứ 4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá PAR INDEX mới và thay đồi lớn về nội dung, phương pháp đo lường SIPAS cho phù hợp với thực tiễn. Chỉ số CCHC mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh. Trong đó, chỉ số CCHC cấp Bộ được sử dụng đánh giá, bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần.
Kết quả xếp hạng PAR INDEX các tỉnh năm 2022. |
Kết quả, chỉ số CCHC năm 2022 các Bộ, cơ quan ngang Bộ có 3 nhóm. Trong đó, chỉ số CCHC trên 90% bao gồm 2 đơn vị; từ trên 80% đến dưới 90% bao gồm 11 đơn vị; dưới 80% có 4 đơn vị.
Kết quả chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm. Trong đó, Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố. Dẫn đầu lần lượt là Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Nghệ An đạt 86,67 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh thành, tăng một bậc so với năm 2021.
Kết quả SIPAS 2022 của các tỉnh, thành trên cả nước. |
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2022, Nghệ An đạt 82,82%, xếp thứ 14/63 tỉnh thành, tăng 21 bậc so với năm 2021. Các tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 1, tỉnh Thái Nguyên thứ 2 và tỉnh Cà Mau xếp thứ 3.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các Bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các Bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. (Ảnh: TTXVN) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin