Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp phiên thường kỳ tháng 6

16:30, 28/06/2023
Ngày 28/6, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 6 để nghe và cho ý kiến vào tình hình KT - XH, đầu tư công, cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Báo cáo KT - XH của ban cán sự Đảng UBND tỉnh cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Nghệ An ước đạt 5,79%, cao hơn bình quân cả nước. Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện gần 8.500 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Thu hút đầu tư đạt gần 22.190 tỷ đồng. Đặc biệt, thu hút đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng và xếp thứ 8 toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân trên 2.682 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch.

Cơ bản đồng tình với kết quả 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, các thành phiên dự họp cho rằng: Các chỉ tiêu về KT-XH, xây dựng Đảng nên xây dựng mang tính thống nhất; Trong báo cáo xây dựng NTM cần bổ sung đánh giá thêm về xây dựng đô thị văn minh; quan tâm đến công tác quản lý khai thác khoáng sản, cát sỏi; Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu và phiền hà...

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Phân tích, làm rõ thêm một số nguyên nhân dẫn đến một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Trọng tâm 6 tháng cuối năm vẫn là tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng; Hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư sớm đưa các dự án đi vào sản xuất; Tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ và thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung tại phiên họp.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung làm việc tại phiên họp.

Kết luận về nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh, báo cáo trình Ban chấp hành Tỉnh uỷ. Người đứng đầu Tỉnh uỷ cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, có nhiều yếu tố không thuận, tác động đến tình hình KT-XH và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng tích cực như thu hút đầu tư FDI, thu ngân sách. Đặc biệt Nghệ An đã hoàn thành 2 nhiệm vụ lớn: Thông qua hồ sơ quy hoạch tỉnh để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổng kết 10 năm Nghị quyết 26 và được Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới trong giai đoạn tiếp theo.

Dự báo từ này đến cuối năm sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý yêu cầu các ngành, địa phương phải nỗ lực cao độ để hoàn thành thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2023. Đối với giải ngân đầu tư công phải thực hiện các biện pháp quyết liệt: Điều chuyển vốn, điều chuyển cán bộ, thay đổi chủ đầu tư; Tăng cường kiểm tra đôc đốc, nhắc nhở và có chỉ đạo kịp thời; Những nhà thầu chậm thi công, chậm quyết toán đưa vào danh sách theo dõi.

Các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ tham dự phiên họp.
Các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ tham dự phiên họp.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý cũng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như cảng nước sâu, cảng hàng không. Muốn làm chuyển biến, cải thiện thì phải gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và địa phương nhằm hạn chế tình trạng “trên thông dưới thắt”; Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh sau khi Thủ tướng phê duyệt và triển khai quán triệt Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về Nghệ An một cách bài bản sau khi ban hành; Tạo khí thế thi đua sôi nổi của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ văn hoá - xã hội: Tổ chức tốt thi cử; Phấn đấu hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo, riêng trong năm 2023 dự kiến sẽ làm được 5.500 căn nhà, đồng thời tổ chức họp để rút kinh nghiệm đối với chương trình xây dựng nhà ở.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý cũng đồng ý với chủ trương tham mưu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu KT-XH cụ thể đối với đô thị, các huyện đồng bằng, miền núi, sau đó phổ biến, quán triệt đến cơ sở và thống nhất trong toàn tỉnh để chuẩn hoá trong báo cáo Nghị quyết Đại hội vào cuối nhiệm kỳ... Đồng chí đề nghị ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến liên quan đến công tác quy hoạch, đấu giá đất, giải phóng mặt bằng...

Đồng chí Phan Đức Đồng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Vinh phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Phan Đức Đồng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Vinh phát biểu tại phiên họp.

Tiếp đó, Ban Thường vụ đã nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện Quyết định số 827 ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển TP Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ chính trị.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu tại phiên họp.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý cho rằng, Quyết định 827 đã thể hiện được tầm nhìn sau quá trình thực hiện đã làm thay đổi được diện mạo khi không gian đô thị từng bước được mở rộng. Từ đó đã thấy rõ được đầu tàu tăng trưởng của TP Vinh đối với tỉnh và cả khu vực, thể hiện trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài chính - tín dụng. Quan trọng nhất là tạo ra nền tảng cho TP Vinh phát triển từ nay đến năm 2030.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Phát triển TP Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An... Bên cạnh đó, TP Vinh cũng phải chủ động tham mưu cho tỉnh rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, ngang tầm để đảm nhận các phần việc mà tỉnh phân cấp; Tư duy để tạo ra sự phát triển “khác biệt” trên 3 quan điểm khi trở thành đô thị biển: vệ sinh môi trường, trật tự, văn minh đô thị; Xây dựng đô thị thông minh; Xây dựng TP ánh sáng gắn với kinh tế đêm. Muốn vậy, TP Vinh phải rà soát quỹ đất để giữ lại các mảng xanh, ao đầm nhằm giải quyết vấn đề ngập lụt... Quan tâm quy hoạch, lưu ý đến không gian ngầm, nhằm giảm áp lực cho hạ tầng kỹ thuật phía trên. 

Người đứng đầu Tỉnh uỷ cũng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo TP Vinh phải thực hiện mở rộng địa giới đảm bảo đúng tiến độ, đến quý 1 năm 2024 phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch TP Vinh trên nền tảng quy hoạch cũ.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng khác gồm: Chủ trương thành lập Cụm công nghiệp Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên; Danh mục các dự án thu hồi đất; Chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch phân khu Đại lộ Vinh - Cửa Lò và khu vực hai bên Đại lộ Vinh - Cửa Lò theo tỷ lệ 1/2.000; Phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2022 và nguồn thu hồi vốn các công trình, dự án chưa đủ điều kiện chuyển nguồn sang năm 2023; Chủ trương xây dựng tượng đài “Bác Hồ về thăm quê” tại Khu di tích Kim Liên; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 124 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. 

Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã thống nhất thông qua toàn bộ chương trình, nội dung kỳ họp thứ 14 của HĐND; đồng thời thông qua 7 Dự thảo Nghị quyết sẽ trình tại kỳ họp./.

Thái Dương - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện