Giải trình làm rõ thêm tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Về bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ (KHCN), năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.
Cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ
Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ.
“Tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.
Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Chi ngân sách cho khoa học công nghệ thấp đáng báo động
Dựa trên những số liệu mà Bộ trưởng Bộ Tài chính cung cấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho KHCN đã giảm dần trong tất cả các năm thấp nhất 0,82%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN và trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST), tăng dần theo nhu cầu phát triển của KHCN.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là con số chi đáng báo động mà nguyên nhân từ các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ, chưa có những đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn.
“Đến nay, có cả những địa phương không bố trí vốn hoặc rất thấp cho phát triển khoa học và công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về các trung tâm ĐMST và khởi nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Trung tâm ĐMST quốc gia đặt tại Hòa Lạc, Hà Nội từ tháng 10/2019 là một đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
“Hiện nay trung tâm này chưa sử dụng tiền của ngân sách nhà nước mà chủ yếu là vận động trong nước và nước ngoài, với chức năng là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, áp dụng các cơ chế, chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT cũng đã hỗ trợ cho khoảng 5.000 doanh nghiệp mang lại hiệu ứng tốt…/.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin