Phòng chống bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

20:11, 05/07/2023
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khoá XVIII, chiều 5/7, các đại biểu tại tổ 3 gồm các huyện: Thanh Chương; Nghĩa Đàn; Tân Kỳ; Yên Thành và thị xã Thái Hoà, đã có buổi thảo luận tại tổ. Các đại biểu tập trung thảo luận về công tác phòng chống bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ số 3.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ số 3.

Đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh đoàn chủ trì phiên thảo luận tại tổ 3.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.

Lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh dự buổi thảo luận tại Tổ số 3.
Lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh dự buổi thảo luận tại Tổ số 3.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lô Thị Kim Ngân (huyện Thanh Chương) cho rằng việc xã hội hóa và các nguồn lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay đã giúp các em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn từng bước có cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên so sánh với thời điểm trước 31/3/2021 và hiện nay, theo báo cáo của ngành, số trẻ có hoàn cảnh khó khăn tăng hơn 7.000 em. Đại biểu đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ nguyên nhân và nguồn lực chăm sóc cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu thảo luận.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, đại biểu Kim Ngân cũng cho rằng, song song với việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em tại vùng đồng bằng, trung du thì các cấp, ngành cần có sự quan tâm phù hợp đối với trẻ em khu vực miền núi. Đại biểu cũng đề nghị các cấp, ngành đồng thời nghiên cứu các mô hình giáo dục kỹ năng sống cụ thể, phù hợp với trường học với môi trường nội trú, bán trú,... Cùng với giáo dục kỹ năng sống cũng cần có chương trình hành động cụ thể trong việc phòng chống đuối nước, bạo lực học đường ở các em.

Đại biểu Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phát biểu thảo luận.
Đại biểu Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phát biểu thảo luận.

Cùng quan tâm tới vấn đề giáo dục kỹ năng sống và phòng chống bạo lực học đường, đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) cho rằng ở nhiều địa phương, trường học đã có cách làm sáng tạo. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt cần có sự phối hợp của gia đình và nhà trường. Bởi gia đình đóng vai trò nền tảng, trong khuôn khổ giáo dục nhà trường có vai trò quan trọng. Đại biểu cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo đồng bộ, xây dựng đề cương giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và cần hướng tới sự phòng vệ cho trẻ để phòng chống đuối nước, thương tích…

a
Đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) phát biêu thảo luận.

Thảo luận về công tác giáo dục, chăm sóc bảo vệ trẻ em, đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) cho rằng ngành Giáo dục còn nặng nề về giáo dục kiến thức mà thiếu kỹ năng và giáo dục thể chất. “Các báo cáo hiện nay về công tác giáo dục cũng chỉ tập trung tới kết quả thành tích học tập, đó là truyền thống của tỉnh nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó. Việc giáo dục phải song hành trong việc giáo dục thể chất nhưng hiện chưa được quan tâm đúng mực, thực chất trong nhà trường, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, chăm sóc về sức khoẻ tâm lý trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng và cần thiết. Điều này thể hiện ở việc nhiều em bị trầm cảm, khủng hoảng tâm lý, để lại hậu quả nặng nề", đại biểu Thuỷ bày tỏ băn khoăn.

a
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng giải trình các ý kiến, đề xuất của đại biểu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lô Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng cho biết có 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh khó khăn tăng trong những năm gần đây: Dân số tỉnh nhà có sự biến đổi; Thay đổi trong cách tính tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo; Gia tăng một phần do trẻ em có bố mẹ vi phạm pháp luật đáng kể. Những đối tượng này sẽ đưa các em sang nhóm nguy cơ và nhóm có hoàn cảnh đặc biệt; Mồ côi cả cha lẫn mẹ sau đại dịch Covid-19. Thời gian qua, các cấp, các ngành quan tâm huy động nguồn xã hội hoá chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngoài nguồn ngân sách.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về tình trạng thiếu nước, thiếu điện tại các huyện, trong đó có huyện Thanh Chương; Người dân khó tiếp cận các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn do vướng mắc trong thủ tục; Các yếu tố khó khăn về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh...

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận.

Phát biểu giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để người dân dễ tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn đã ban hành. Mặt khác, UBND tỉnh cũng sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nhằm giải quyết sự xuống cấp của các trạm bơm dọc sông Lam, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời sẽ làm việc với ngành Điện lực để giải quyết bất cập về hạ tầng lưới điện hiện nay ở các địa phương.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận.

Thảo luận về các yếu tố khó khăn về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, bên cạnh các lý do khách quan thì có nhiều yếu tố chủ quan. Vì vậy, đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương cần khắc phục liên quan đến công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách; Đồng thời tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, phấn đấu cả năm đạt kết quả cao nhất.

 

 

Thuỳ Dương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện