Sáng nay, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục phiên chất vấn

10:26, 07/07/2023
Sáng 7/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm nội dung liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm và giải pháp của các ngành, đơn vị trong công tác phòng chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Toàn cảnh kỳ họp.
Toàn cảnh kỳ họp.

Dự phiên làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh thuộc 21 tổ đại biểu.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBHQ tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phần chất vấn.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBHQ tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phần chất vấn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn nội dung với nhóm nội dung về “Công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”. Trước đó vào chiều 6/7, nội dung này đã được tiến hành chất vấn và sau khi lấy ý kiến các vị đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tọa Kỳ họp thứ 14 quyết định HĐND tỉnh sẽ dành thêm thời gian để tiến hành chất vấn vào sáng nay (7/7).

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự kỳ họp.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự kỳ họp.

Đại biểu Trình Văn Nhã, huyện Thanh Chương cho rằng: giáo dục kỹ năng sống có liên quan mật thiết với bạo lực học đường, phòng chống đuối nước và phòng chống thương tích cho trẻ em. Giáo dục tốt kỹ năng sống giúp các em có thể tự vệ trước các vấn đề trên. Có đại biểu phản ánh, hiện nay nhiều nhà trường vẫn coi nhẹ và coi là môn phụ đối với 2 môn giáo dục công dân và Lịch sử. Trong khi đây là những môn học rất quan trọng giúp các em hình thành nhân cách, lý tưởng, đạo đức.

Đại biểu Trình Văn Nhã, huyện Thanh Chương nêu nội dung chất vấn.

Trước câu hỏi của đại biểu liệu có cần tiếp cận bạo lực học đường từ nhiều hướng như: gia đình, văn hoá, truyền thống…người đứng đầu Sở Giáo dục & Đào tạo bày tỏ đồng tình và cho rằng: cả hệ thống chính trị phải có trách nhiệm giáo dục truyền thống, nhân cách, lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh. Trong vấn đề này vai trò giáo dục của gia đình là cực kỳ quan trọng để khuyến khích phát triển nhân cách, hoài bão cho các em.

Đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn.
Đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn.

Thay mặt chủ toạ kỳ họp, kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, không khí chất vấn sôi nổi, các đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn rất trúng, đúng; nhiều câu hỏi hóc búa. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nắm chắc vấn đề, trả lời đầy đủ, thẳng thắn, rõ ràng. Ngoài ra, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cũng đã trả lời và làm rõ các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBHQ tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên chất vấn.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBHQ tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, phiên chất vấn đã làm rõ nội hàm 4 vấn đề: Bạo lực học đường; kỹ năng sống, phòng chống đuối nước và chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là những vấn đề xã hội lớn, khó, có nhiều yếu tố tác động vì đối tượng là các em học sinh, trẻ em đang thay đổi nhanh về thể chất, tâm sinh lý, dễ bị kích động, dễ bị tổn thương. Trách nhiệm giải quyết 4 vấn đề này cũng rất rộng, từ gia đình, trường học, cộng đồng xã hội và chính bản thân các em phải biết bảo vệ mình. Bên cạnh đó, đặc điểm tự nhiên và xã hội của tỉnh ta có nhiều yếu tố tác động bất lợi đến việc thực hiện 4 vấn đề trên. Nghệ An có thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; hệ thống sông ngòi, hồ đập, ao nhiều nên việc phòng, chống đuối nước rất khó. Đời sống, mức sống của nhân dân giữa các vùng miền chênh lệch nhau, không đồng đều, nhất là khu vực miền núi, bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Mặt trái của quá trình phát triển, kinh tế thị trường có nhiều tác động sâu sắc đến mọi tầng lớp, trong đó có học sinh, trẻ em. Bố mẹ phải chạy đua kinh tế, gửi con cho ông bà nên các em thiếu sự chăm sóc của gia đình, thiếu tình thương, sự sẻ chia, đùm bọc, dạy dỗ; các em dễ bị sa vào các tệ nạn, trào lưu xấu.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành liên quan và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thể hiện, từ 2019 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo, chương trình kế hoạch; Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 20 văn bản; các sở, ngành liên quan phối hợp ban hành 8 văn bản liên ngành và từ 2021 đến nay lập 6 đoàn kiểm tra để triển khai chỉ đạo thực hiện các nội dung trên. Việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, công tác dạy kỹ năng sống được quan tâm hơn. Công tác tập huấn bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho giáo viên và đội ngũ thành viên tổ tư vấn tâm lý học đường được quan tâm, chăm lo. Sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường, cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương được chú ý nhiều hơn. 

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đáng lo ngại. Tình trạng bạo lực học đường vẫn có xu hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2021 có 41 vụ, năm 2022 có 45 vụ, 6 tháng đầu năm 2023 có 51 vụ. Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát vừa qua thì số vụ bạo lực học đường còn nhiều hơn.

Về những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là giáo viên, học sinh, phụ huynh về các vấn đề liên quan bạo lực học đường, phòng chống đuối nước và chăm sóc trẻ em đặc biệt khó khăn. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc chăm lo, bảo vệ trẻ em, tất cả vì tương lai con em của chúng ta. Tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường gắn với việc xây dựng kịch bản cụ thể để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề, tình huống xảy ra…

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đồng thời yêu cầu thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật phổ biến pháp luật, kỹ năng sư phạm cho giáo viên đảm bảo chuẩn mực; đủ khả năng bao quát, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh. Nghiên cứu tăng thời lượng giáo dục kỹ năng sống; phối hợp chặt chẽ với từng gia đình trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em tại các địa phương với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Bên cạnh việc rà soát các điều kiện cơ sở vật chất để xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho công tác dạy bơi, học bơi, các điều kiện, cơ sở vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em. Nghiên cứu để đưa môn bơi vào giảng dạy các trong trường học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.  

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện