Trách nhiệm và giải pháp của các ngành, đơn vị trong công tác phòng chống bạo lực học đường

20:00, 06/07/2023
Tiếp tục nội dung thứ 2 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều nay, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm và giải pháp của các ngành, đơn vị trong công tác phòng chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự phiên làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh thuộc 21 tổ đại biểu và các đại biểu khách mời.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn tại hội trường.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn chiều 6/7.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thay mặt 2 ngành GD và LĐTBXH, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn ThànhBáo cáo về 4 nội dung chất vấn "Công tác phòng chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuổi nước; công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”,

Người đứng đầu Sở GD&ĐT thừa nhặn trách nhiệm để xảy ra những hạn chế nêu trên  trước hết  là trách nhiệm của Ngành GD và Ngành LĐ- TB&XH. Mặc dù hai ngành đã có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, song vẫn chưa đủ mạnh trong thực thi nhiệm vụ, vẫn còn một số mặt hạn chế, cần quyết tâm khắc phục. Đồng thời, cho biết về các giải pháp khắc phục trong thời gian tới: Thứ nhất: Đối với công tác phòng chống bạo lực học đường: Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; thực hiện hiệu quả mô hình “Công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học” để kịp thời phát hiện, tư vấn, hỗ trợ, ngăn ngừa BLHĐ; nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc”; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị- xã hội, để hiện tốt các giải pháp chăm sóc, giáo dục trẻ giáo dục học sinh, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; chủ động nắm bắt tình hình, đối tượng gây bạo lực học đường và có nguy cơ gây bạo lực (kể cả trực tiếp và trên không gian mạng) để có biện pháp giáo dục, răn đe

Đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình báo báo cáo tóm tắt giải trình liên quan đến nội dung chất vấn Công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình nội dung chất vấn "Công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt".

Thứ hai: Về công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Phải chủ động và tích cực phối hợp với các ngành liên quan, với cấp ủy chính quyền địa phương, tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra, giám sát (đối với 132 đơn vị đã được cấp phép hoạt động). Sẵn sàng đình chỉ hoạt đồng và xử lý nghiêm đối với các trung tâm hoạt động không đúng chức năng nhiệm vụ, lợi dụng để lồng ghép các hoạt động sai mục đích. Hay những trung tâm hoạt động chui chưa có Giấy phép vẫn tổ chức hoạt động.

Thứ ba: Về công tác phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước: Đây là vấn đề cần huy động các ấp ủy, chính quyền, các Sở, ngành, tổ chức đoàn thể vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, để giảm thiểu đến mức thấp nhất về tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em. Trước hết phải thực hiện tốt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình: Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn về phòng chống tại nạn thương tích trẻ em và các mô hình dạy bơi hiệu quả.

Tập trung nguồn lực và có các giải pháp huy động xã hội hóa để xây dựng các bể bơi cố định, bể bơi di động trong trường học; đẩy mạnh việc dạy bơi trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước; tập trung quản lý tốt các em học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương. Triển khai sâu rộng phong trào dạy bơi, nhân rộng mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi.

Tổ chức lắp đặt, cắm biển cảnh báo những khu vực có nguy cơ cao về đuổi nước. Tại các địa điểm văn hóa của địa phương, cần tổ chức các các hoạt động vui chơi, lành mạnh cho học sinh trong dịp nghỉ hè. Đặc biệt các gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, với cộng đồng, với thôn xóm để quản lý con em trong thời gian ở nhà, thời gian nghỉ hè. Không để các em sa vào các hoạt động vui chơi không lành mạnh, nguy hiểm đến bản thân.

Lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu dự kỳ họp.
Lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu dự kỳ họp.

Thứ tư: Về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cần tăng cường hơn nữa về sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp đỡ trẻ em có HCĐBKK; sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc quản lý, vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có HCĐB, KK; nhất là các xã ĐBKK thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hằng năm tổ chức rà soát, thống kê, phân loại, đánh giá nhu cầu, đối tượng trẻ em cần hỗ trợ, trẻ em có HCĐB tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; để trẻ em có HCĐB, KK tiếp cận các dịch vụ xã hội, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí... Tập trung thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở GD&ĐT, các đại biểu thể hiện sự băn khoăn khi tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Các con số thống kê: năm 2021: 41 vụ, năm 2022: 45 vụ và 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra 51 vụ cho thấy thực trạng này đang diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều biểu hiện khó lường.
Đại biểu Hồ Văn Đàm (Quỳnh Lưu)
Đại biểu Hồ Văn Đàm (Quỳnh Lưu) đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ thực trạng các hành vi tẩy chay, gây áp lực tâm lý trong môi trường thực và cả trên không gian mạng ở Nghệ An.

Đại biểu Hồ Văn Đàm (huyện Quỳnh Lưu) nêu thực tiễn, bạo lực học đường hiện nay không chỉ là đánh nhau, chửi bới, công kích mà còn có các hành vi tẩy chay, gây áp lực tâm lý trong môi trường thực và cả trên không gian mạng. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ thực trạng này ở Nghệ An và giải pháp để ngăn chặn?

Trả lời câu hỏi này, đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thừa nhận, đây là thực trạng chung trong cả nước, trong đó có Nghệ An. Về giải pháp, thời gian qua, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chương trình, song ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chủ động đưa nội dung giáo dục về kỹ năng giao tiếp, hành vi ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai công tác truyền thông trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức về tác hại và hành vi, tác động tiêu cực trên môi trường mạng. 

Đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn.
Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn.

Các nhà trường, ngành tăng cường thực hiện các mô hình giáo dục, thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, từ đó, trang bị cho học sinh những kỹ năng sống, giá trị sống và các hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường.

Thực hiện Thông tư số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, gắn với thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”. Khi thực hiện tốt các giải pháp này sẽ góp phần bài xích các hành vi ứng xử thiếu văn hóa, bạo lực học đường và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.

Địa biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc)
Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) nêu câu hỏi chất vấn.

Liên quan vấn đề đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc) nêu hiện tượng: “Trên lớp thì trò không sợ thầy, không kính thầy; ra đường người già sợ trẻ nhỏ; về nhà cha, mẹ nịnh con cái”; người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thừa nhận có biểu hiện này trong xã hội, nhưng không phổ biến, không phải có ở tất cả các nhà trường mà chỉ có một số trường, địa phương trong cả nước. Trách nhiệm của ngành cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Đối với các nhà trường, thông qua, hội phụ huynh để phối hợp cùng với nhà trường xây dựng nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức… để tạo dựng các môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường…

Đại biểu Nguyễn Thị Thơm (huyện Hưng Nguyên) băn khoăn về chất lượng giáo dục kỹ năng sống của các trung tâm.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thơm (huyện Hưng Nguyên) về chất lượng giáo dục kỹ năng sống của các trung tâm, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết thực tế kiểm tra cũng có không ít trung tâm vi phạm. Hiện nay, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi tuần có 3 tiết dạy kỹ năng sống trong hoạt động trải nghiệm; tuy nhiên, để triển khai hiệu quả phải xây dựng kế hoạch, bao gồm về con người, nguồn lực, cơ chế phối hợp thật bài bản.

Với tỷ lệ trẻ em đuối nước vẫn còn cao, các đại biểu cho rằng: việc trang bị các kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế, chất lượng chưa cao. Liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Văn Lương (TX. Thái Hòa) cho rằng việc xây dựng môi trường an toàn xung quanh khu vực sống của trẻ em, học sinh chưa được chú trọng. Trách nhiệm của một số địa phương, gia đình còn chủ quan, lơ là trong việc trong quản lý con cái dẫn đến nhiều vụ đuối nước thương tâm. Đại biểu Lê Văn Lương nêu câu hỏi: "Vậy trách nhiệm, nguyên nhân chính dẫn tới tử vong do đuối nước ở trẻ em là gì; ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp mới nào để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới ?"
Đại biểu Lê Văn Lương (TX. Thái Hòa) nêu câu hỏi trách nhiệm, nguyên nhân chính dẫn tới tử vong do đuối nước ở trẻ em là gì?

Về nội dung này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021- đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 131 trẻ em tử vong do đuối nước, bình quân mỗi năm toàn tỉnh xảy ra 35 vụ đuối nước trẻ em, trên 30 trẻ bị tử vong. Theo người đứng đầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên có rất nhiều. Trong đó, có nguyên nhân khách quan là do Nghệ An có hệ thống sông, suối, ao, hồ nhiều, bờ biển dài. Mưa lũ, nắng hạn thất thường...Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, gắn với trách nhiệm của các đối tượng. Trước hết, một bộ phận gia đình lo làm ăn kinh tế; bố mẹ đi làm ăn xa, con cái ở nhà với ông bà, anh chị; do người thân sơ ý, thiếu sự giám sát khiến trẻ em bị rơi xuống ao, hồ, sông... và dẫn đến đuối nước. 

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Chúng ta chưa phối hợp được trong tuyên truyền cho sát thực tế; Chưa phát hiện và đánh giá được những trẻ em có nguy cơ hiện hữu về tai nạn thương tích và đuối nước, từ đó đưa ra cảnh báo. Mặt khác, các hoạt động vui chơi cho trẻ em còn ít; chưa ngăn chặn được nguy hiểm ở một số vị trí khi xảy ra mưa lũ, dẫn đến những cái chết thương tâm. Theo thống kê các vụ đuối nước, tỷ lệ đuối nước tại ao nhà, hồ nước cạnh nhà khá cao. Như năm 2020, tỷ lệ là 34% với 19/56 em; năm 2021, tỷ lệ là 40,4% với 21/52 em; năm 2022, tỷ lệ là 43,34% với 23/53 em; 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ là 26,9% với 7/26 em.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn.

Nguyên nhân thứ hai là số trẻ em chưa biết bơi, chưa được rèn kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước. Theo thống kê, tổng số trẻ em, học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn là 511.498 em, trong đó, tỷ lệ biết bơi ở bậc tiểu học chỉ đạt 17,3%; bậc THCS đạt 33,6%; tỷ lệ trẻ em, học sinh từ 6 đến 15 tuổi đạt 23,6%. Bên cạnh đó, số giáo viên, người hướng dẫn đáp ứng yêu cầu dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn ở các trường là 1.193 người. Như vậy, cứ 1 giáo viên phải chịu trách nhiệm cho 428 học sinh ở bậc tiểu học và THCS.

Nguyên nhân thứ ba, là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, trường học chưa thực sự ưu tiên, quan tâm sâu sát, để giúp các em trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước, nhất là về dạy bơi.

Và nguyên nhân thứ tư, là sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, giữa gia đình, nhà trường và các địa phương công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em.

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 6/7.
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 6/7.

Do nội dung chất vấn 2 được nhiều đại biểu quan tâm và có nhiều vấn đề cần làm rõ, chủ trì kỳ họp quyết định nội dung chất vấn này sẽ được tiếp tục vào phiên họp sáng mai. 

Cũng trong sáng mai (7/7), HĐND tỉnh sẽ tiến hành thảo luận, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp. Phiên họp tiếp tục được Đài PTTH Nghệ An tường thuật trực tiếp trên hai sóng phát thanh và truyền hình, Website: Truyenhinhnghean.vn; trên app: NTV go; trên các Fanpage: Truyền hình Nghệ An; Nghệ An TV, Thời sự NTV. 

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện