Tại điểm cầu Nghệ An. |
Hội nghị được diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46 ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028) vừa kết thúc. Dự và chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. |
Tại hội nghị đối thoại, gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước đã được gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị các ý kiến cần đánh giá tình hình, những việc đã làm một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, bao trùm; đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để thực hiện mục tiêu "nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái", trí thức hóa nông dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Có 6 nhóm vấn đề được bà con nông dân quan tâm, mong muốn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải đáp. Đó là vấn đề phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị. Giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông. Kiến nghị triển khai đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững. Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học.
Vấn đề chăm lo đời sống an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng đã được đại diện Hội Nông dân chuyển đến Thủ tướng và các Bộ, ngành TW tại hội nghị đối thoại hôm nay.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương, Nghệ An nêu câu hỏi. |
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương, Nghệ An chia sẻ thực trạng một bộ phận lao động nông thôn là con em nông dân đi làm công nhân ở thành phố, đô thị mất việc làm (chủ yếu bị doanh nghiệp sa thải, cắt giảm lao động) đã quay trở về quê mang theo nhiều khó khăn, phức tạp cả về việc làm, đời sống và an sinh xã hội ở nông thôn. Ông Khánh mong muốn Chính phủ và các ngành chức năng có chính sách, giải pháp để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động mất việc làm trở về nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nêu 7 giải pháp tăng cường đào tạo nghề cho nông dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết vấn đề giải quyết việc làm cho các lao động từ khu đô thị, thành phố trở về, trong đó có công nhân đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở về và lao động từ nước ngoài trở về được Bộ quan tâm, chỉ đạo.
Cụ thể, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, quỹ hỗ trợ việc làm và các nguồn ưu đãi tín dụng khác. Trong đó, thực hiện hỗ trợ từ gói 10.000 tỷ trong chương trình phục hồi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, tạo việc làm gắn các đối tượng lao động nói chung, trong đó gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ba chương trình này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện đang được triển khai ở các địa phương.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. |
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương quan tâm chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách trên, đồng thời chủ động nghiên cứu các chính sách.
Hiện nay, Bộ cũng đang hoàn thiện Đề án sửa đổi Luật việc làm và sẽ báo cáo Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2024. Khi sửa đổi sẽ có nhiều cơ chế, chính sách sẽ được quan tâm hơn trong đào tạo, bố trí việc làm cho lao động nông thôn.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về nguyên tắc, để chuyển dịch lao động thì phải đào tạo nghề với các chính sách đã có tương đối đầy đủ. Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai, đôn đốc, hướng dẫn để người nông dân có điều kiện tiếp cận bình đẳng về giáo dục, đào tạo lao động và việc làm, từ đó chuyển đổi nghề, tham gia thị trường lao động, kể cả xuất khẩu lao động ra nước ngoài…
Về liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định trong dự thảo Luật Đất đai, tạo thuận lợi nhất cho người nông dân liên kết, phát huy tinh thần sáng tạo để khai thác hiệu quả đất đai. Trước mắt, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định về vấn đề này; tiếp tục tổng kết thực tiễn để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
Các ý kiến đã được Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ ngành trả lời thắng thắn, cụ thể; nhất là các nhóm vấn đề liên quan đến chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, với thời gian hơn 4 tiếng đồng hồ, nhiều câu hỏi và giải đáp của các bộ, ngành sẽ chưa thỏa mãn nguyện vọng của các đại biểu; cần có thời gian để tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng chiến lược khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình phát triển đất nước. Bên cạnh đó là sự linh hoạt, sáng tạo của bà con, doanh nghiệp, sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, ngành kinh tế nông nghiệp luôn khẳng định và giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Phát huy vài trò chủ thể, trung tâm của hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng “nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin