Quang cảnh phiên làm việc sáng 28/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. |
Hiện nay, dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (quy định tại khoản 1 Điều 4). Cụ thể, với Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 2: Tòa án nhân dân phúc thẩm. Với Tòa án nhân dân cấp huyện: Phương án 1: giữ nguyên như hiện hành là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 2: Tòa án nhân dân sơ thẩm.
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội chủ trì, điều hành phiên làm việc. |
Đại biểu Trần Nhật Minh bày tỏ ủng hộ phương án 2 theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao vì phù hợp với cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn: "Nghị quyết số 27 -NQ/TW đề ra nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược cần tập trung thực hiện là "đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập các Toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Cụ thể hoá trọng tâm này, Nghị quyết 27 chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp "Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Toà án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, hội thẩm khi xét xử. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm..."Tinh thần này được xuyên suốt quá trình chỉ đạo của Đảng đối với công tác cải cách tư pháp, thể hiện trong các văn bản của Đảng. Do đó, việc lựa chọn phương án 2 chính là để cụ thể hoá các Nghị quyết, văn bản của Đảng về vấn đề này.
Đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. . Ảnh: Quang Vinh |
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này, một vấn đề được nhiều đại biểu đồng tình và cho ý kiến tại hội trường là về quy định mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp; bổ sung luật sư, giảng viên đại học là “nguồn” để tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao. Các đại biểu dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới đều nêu nội dung này khi tuyển chọn thẩm phán và cho rằng đây là nguồn lực giúp nâng cao chất lượng hoạt động xét xử vì có trình độ, kinh nghiệm và trải nghiệm, không cần phải đào tạo lại. Tuy nhiên có ý kiến cũng đề nghị cần cân nhắc lĩnh vực ngành học, kiến thức, trình độ cao về vấn đề liên quan, có thể bổ nhiệm thẩm phán ở các lĩnh vực mà họ đang công tác.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên làm việc sáng 28/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh |
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham gia thảo luận, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Một số ý kiến mong muốn, các chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội. Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao; cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, trong lành; hạnh phúc, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập. Song song với đó, đề nghị Hà Nội tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan toả cho giáo dục phổ thông cả nước; và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dưng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyên vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công. Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề cập đến nhiều vấn đề, lĩnh vực để thủ đô ngày càng phát triển
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin