Chào mừng Đại hội Đảng các cấp

Tám điểm mới nổi bật trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

09:20, 31/12/2020
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được tiến hành công phu, nghiêm túc, khoa học, với 8 điểm mới nổi bật.
Hội nghị Trung ương lần thứ 14, khóa XII.
Hội nghị Trung ương lần thứ 14, khóa XII.

Khát vọng phát triển đất nước

Điểm mới đầu tiên, theo PGS. TS Nguyễn Viết Thông, là việc xác định chủ đề Đại hội XIII. Dự thảo báo cáo chính trị nêu chủ đề Đại hội XIII là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, so với Đại hội XII, chủ đề Đại hội XIII đã bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng và nêu bật khát vọng phát triển đất nước cũng như mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Điểm mới thứ hai, theo PGS. TS Nguyễn Viết Thông, là việc xác định “cơ đồ đất nước” sau 35 năm đổi mới. Qua đó, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; 10 năm thực hiện Cương lĩnh và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đồng thời nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Điểm mới thứ ba, các dự thảo văn kiện đã đưa ra những dự báo về tình hình thế giới và khu vực. Trong đó nhấn mạnh, thế giới đang phải trải qua những biến động to lớn, kinh tế đang lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Còn ở khu vực, những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột… Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.

Điểm mới thứ tư, so với các đại hội trước, dự thảo báo cáo chính trị đã nêu hệ quan điểm chỉ đạo với những quan điểm nổi bật. Trong đó, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; và kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp

Điểm mới thứ năm được PGS. TS Nguyễn Viết Thông đề cập, là cách tiếp cận và xác định mục tiêu, trong đó mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, dự kiến đến 2025, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, dự kiến GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD, trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 có thu nhập cao, theo ông Thông là “hoàn toàn khả thi”.

Điểm mới thứ sáu, dự thảo báo cáo chính trị đã nêu 12 định hướng phát triển đất nước 10 năm tới (2021 - 2030). Trong đó, dự thảo đã đưa ra các định hướng về thể chế, phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo, phát triển văn hóa, con người; định hướng về xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường; định hướng về bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại, nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn…

Cùng với đó, dự thảo đưa ra điểm mới thứ bảy trong việc xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên các lĩnh vực kinh tế; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Điểm mới thứ tám, theo PGS. TS Nguyễn Viết Thông, dự thảo đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… và các đột phá chiến lược về thể chế, hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, điểm mới của hầu hết các báo cáo chính trị nhiệm kỳ này là đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng và thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn. Hầu hết các cấp ủy đã coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội XIII và của cấp trên để xây dựng văn kiện có tầm nhìn chiến lược hơn.

 

Theo Tiền phong

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện