Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước

11:37, 26/01/2021
Đó là một trong 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian tới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong báo cáo về văn kiện Đại hội XIII tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sáng nay (26/1), đúng 8 giờ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội. 

 

Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng làm lễ chào cờ tại phiên khai mạc
Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng làm lễ chào cờ tại phiên khai mạc.

Dự khai mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước. Đây là sự kiện trọng đại diễn ra vào thời điểm đánh dấu một chặng đường quan trọng của đất nước, dân tộc. Thời điểm đủ để xác định một tâm thế mới, khát vọng mới khi hướng về cột mốc 100 năm thành lập nước và 100 năm thành lập Đảng.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chào mừng Đại hội

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu chào mừng Đại hội. Thay mặt Đoàn chủ tịch, đồng chí chào mừng các khách mời là các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đại diện xuất sắc của các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội.

Đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đại hội diễn ra trong bối cảnh nhiều thời cơ và thách thức đan xen; thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, với nhiều thành tựu to lớn. Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, để phát triển đất nước với khát vọng hùng cường. Với quan điểm nhìn thẳng, nói đúng sự thật, đoàn kết, chung sức đồng lòng, Đại hội có nhiệm vụ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; Kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; Đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội thể hiện bản lĩnh kiên cường, ý chí quyết tâm, vươn tới của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo văn kiện
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Thay mặt Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, có ý nghĩa quyết định với sự phát triển, hội nhập của đất nước. Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của Đại hội.

Về tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 5 năm qua chúng ta đã tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự lực, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế đất nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.

Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ trước đã được giải quyết và đạt được kết quả bước đầu. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ… Nhiều vấn đề phức tạp được tạo ra và thực hiện từ những năm trước nhưng hiệu quả còn thấp thì trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực. Kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện được điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch, thiên tai gây nhiều thiệt hại nhưng với nỗ lực vượt bậc, nước ta vẫn có những phát triển vượt bậc, tăng trưởng vẫn dương, là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Có được kết quả đó là có sự đoàn kết, thống nhất cao cuả toàn Đảng, sự đổi mới phù hợp của Quốc hội, HĐND các cấp và tinh thần lao động tích cực, cần cù, sáng tạo của nhân dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Những thành tựu đó là sản phẩm của kết tinh sáng tạo, là nỗ lực phấn đấu bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Quá trình đó, giúp chúng ta rút ra được 5 bài học kinh nghiệm quý báu. 5 bài học này cũng là cơ sở để Đảng ta tiếp tục phát huy, tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới cũng như những nhiệm vụ nặng nề của Đảng ta sắp tới.

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội.
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội. 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian tới. Trong đó, sẽ kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là nền tảng vững chắc của Đảng. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Để thực hiện, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Cuối cùng, mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN./.

Xuân Hướng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm