12 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức từ khai trừ, cảnh cáo, cách chức, khiển trách trong năm 2020. Tính cả nhiệm kỳ XII, đến thời điểm này là hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Kết quả ấy đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Kết quả đó cũng thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong đảng.
12 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật trong năm 2020. |
Theo đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ này là đội ngũ cán bộ kiểm tra, đặc biệt là các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất có bản lĩnh, quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan trong việc thẩm tra, xác minh đối với những vụ việc khó đã tồn tại từ lâu; tham mưu giúp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét xử lý kỷ luật thấu tình, đạt lý theo tinh thần xử lý một vài người để cứu muôn người, rất nhân văn!
Ông Lê Bộ Lĩnh. Ảnh: Quochoi.vn |
Ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có được những bước đột phá trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng thời gian qua, đó chính là quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, theo ông Lê Bộ Lĩnh, không thể không nhắc đến 2 Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII khởi nguồn cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Ở đó, Đảng đã thực sự dũng cảm nhìn nhận thực tế, chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục.
Ông Lê Bộ Lĩnh cho rằng, sự ra đời của 2 nghị quyết mang một ý nghĩa chính trị cực lớn, kịp thời đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của đông đảo dư luận cán bộ đảng viên và quần chúng. Trên cơ sở nghị quyết đó, chúng ta tiến hành các bước đi thích hợp, cụ thể, hiệu quả để đánh giá lại công tác cán bộ, giám sát cán bộ, những việc mà Bác Hồ ví như “rửa mặt hàng ngày”. Và kết quả đo được chính là niềm tin của dân đối với Đảng đã được cải thiện.
Nhiệm kỳ XII, theo Báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 70.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu.
Ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương |
Giải đáp băn khoăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân là vì sao số cán bộ cấp cao bị xử lý lại nhiều đến thế, bài học rút ra là gì, ông Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương nêu rõ: “Có 2 điều cần lưu ý, đó là vấn đề thẩm định đánh giá bố trí cán bộ có những điểm chưa thật chính xác. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là “tưởng đỏ là chín”, “nhìn gà hóa cuốc”… đấy là bài học sâu sắc cần phải rút ra về đánh giá, khảo sát cán bộ cho thật chính xác, tinh tường để không bố trí sai, bổ nhiệm sai. Nhưng bài học thứ hai theo tôi mọi người ít nói đến, là có thể lúc xem xét bổ nhiệm là đúng, là tốt, nhưng đoạn giám sát, kiểm tra chưa được thường xuyên khiến cán bộ có thể hôm nay tốt nhưng khi chạm vào quyền lực mà không tu dưỡng, rèn luyện thì bị quyền lực tha hóa. Ta đã từng có những trường hợp đau xót, đã từng là anh hùng trên chiến trường, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhưng cuối cùng bị xử lý, thậm chí xử lý nặng. Cho nên trong công tác cán bộ có 2 cái: thẩm định, đánh giá, bố trí đúng rất quan trọng nhưng chưa đủ mà phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát. Đó là kinh nghiệm để đời về công tác cán bộ”.
Theo dõi công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong những năm gần đây, ông Lê Quang Đại- Giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội nhận thấy, công tác kiểm tra của Đảng đã được thực hiện rất tốt. Con số cán bộ bị kỷ luật nhiều chưa từng thấy. Đặc biệt, trong câu chuyện xử lý kỷ luật đảng giờ đây không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”. Đây cũng là điểm mà ông ấn tượng nhất với công tác kiểm tra đảng nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Điều đó đã có tác động mạnh mẽ đến đội ngũ cán bộ, công chức của đảng, nhà nước, nhắc nhở họ tránh sa vào những sai phạm để không bị xử lý.
“Kết quả đó cũng chỉ ra rằng, nếu như công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được làm thường xuyên, liên tục thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được các sai phạm. Trung ương làm nghiêm túc sẽ lan tỏa xuống địa phương và các cấp, các ngành”- ông Đại bày tỏ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin