Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tăng cường hợp tác với Nhật Bản, đưa khu vực Bắc Trung Bộ trở thành điểm đến hấp dẫn
NTV trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ:
Hôm nay, tôi rất vui mừng có mặt tại Nghệ An, mảnh đất lịch sử hào hùng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chí sĩ Phan Bội Châu để tham dự Hội nghị "Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ". Tôi đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản đã chọn tỉnh Nghệ An để tổ chức Hội nghị kết nối các địa phương Bắc Trung Bộ với các đối tác Nhật Bản quan trọng. Tôi tin rằng đây là cơ hội kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thương mại trên các lĩnh vực cùng quan tâm giữa chính quyền và doanh nghiệp các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ với các đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam đang nỗ lực phát triển đất nước, cải thiện đời sống người dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo của tập đoàn McKinsey (tháng 9/2018), Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế đang nổi có thành tích phát triển “vượt trội” trong 50 năm qua; luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao ở Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Năm 2018, GDP của Việt Nam tăng 7,08%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Ðáng chú ý là trong năm qua, quy mô kinh tế Việt Nam (240,5 tỷ USD) hiện đứng thứ 44 trên thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương. GDP bình quân đầu người đạt gần 7.700 USD theo sức mua tương đương.
Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2018 của Việt Nam đã đạt trên 482 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 245 tỷ USD. Việt Nam là thành viên WTO, đang thực hiện cam kết của 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP. Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) đánh giá Việt Nam nằm trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay có gần 26.000 doanh nghiệp FDI đến từ 130 quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD.
Một điều quan trọng là nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh ngày càng cải thiện. Năm 2018, Chính phủ đã hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt. Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2018 ước đạt 43,5% (tăng cao hơn so với mức 33,58% giai đoạn 2011-2015 ), năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng 5,62%, cao hơn mức bình quân của ASEAN. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức uy tín khác, xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 đứng vị trí 77/140 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh (DB) đứng thứ 69/100 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) đứng thứ 45/127 nước.
Cùng với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thụ hưởng các thành quả phát triển.
Trong nỗ lực phát triển đất nước, bên cạnh nỗ lực của chính mình, Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất ý thức rõ rằng: trong những thành quả chúng tôi đạt được, có sự giúp đỡ và đóng góp to lớn của bạn bè – đối tác quốc tế, trong đó Nhật Bản là một người bạn, một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và tiến hành tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị quốc tế. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã rất vinh dự và vui mừng được đón tiếp Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam trong năm 2017. Năm 2018, dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng với các chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm rất có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy chính trị và hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Trong gần 30 năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác lớn nhất về ODA, thứ hai về đầu tư FDI, thứ ba về du lịch và thứ tư về trao đổi thương mại. Chúng tôi vui mừng và đánh giá cao việc Nhật Bản đã trở lại vị trí đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong các năm 2017 và 2018 với tổng giá trị FDI lần lượt là 9,1 tỷ USD và 8,6 tỷ USD. Tôi vui mừng biết rằng trong những nghiên cứu điều tra gần đây của JETRO, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản lạc quan và có chủ trương mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, trong đó có các Quý vị có mặt ở đây hôm nay, về những ủng hộ và giúp đỡ liên tục và ý nghĩa dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhiều năm qua.
Qua thực tiễn hợp tác và chia sẻ, chúng ta thấy ngày càng rõ hơn Việt Nam và Nhật Bản có tiềm năng hỗ trợ, bổ sung cho nhau vô cùng to lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng và kỳ vọng rất nhiều vào công nghệ, kinh nghiệm quản lý, nguồn vốn và văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản. Ngược lại, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao nguồn lao động trẻ, khéo tay, ham học hỏi từ Việt Nam. Hiện có trên 250.000 bạn trẻ Việt Nam đang lao động, học tập tại Nhật Bản. Việt Nam hiện là nước dẫn đầu về số lượng phái cử lao động, thực tập sinh tới Nhật Bản hàng năm và số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản (hơn 190.000 người) trong số 15 quốc gia đang phái cử .
Tôi cho rằng động lực và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước chúng ta có nền tảng vững chắc từ tình cảm yêu mến và quý trọng mà nhân dân hai nước chúng ta dành cho nhau, từ lịch sử quan hệ giao lưu thân thiện có bề dày gần 1.300 năm giữa hai dân tộc. Nền văn hóa truyền thống của hai nước chúng ta có nhiều nét tương đồng như cùng thuộc nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng đa thần, thờ phụng tổ tiên, đạo Phật phổ biến... Người dân hai nước đều cần cù chịu khó, tự lực tự cường, luôn có nghị lực vươn lên và sức sáng tạo, đã làm nên nhiều thành tựu lớn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ rất sớm, người dân Việt Nam đã coi người dân Nhật Bản như những người anh em “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”.
Khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tuy điều kiện địa lý tự nhiên khắc nghiệt nhưng con người miền Trung nổi tiếng với tinh thần vượt khó, ham học hỏi, cần cù thông minh, có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Chính vì thế nơi đây là quê hương của rất nhiều nhân tài, nhân vật lịch sử, nhà cách mạng nổi tiếng Việt Nam và thế giới, tiêu biểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chí sĩ Phan Bội Châu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Du...
Bên cạnh nhân tố con người đáng quý, khu vực Bắc Trung Bộ hội tụ không ít lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế khác. Đó là những tiềm năng về vị trí địa lý (nằm giữa hai khu vực trọng điểm kinh tế miền Bắc và miền Trung), hạ tầng (3 sân bay, 8 cảng biển…), tài nguyên (trữ lượng khoáng sản và diện tích rừng lớn), kinh tế biển (670 km bờ biển, 23 cửa sông, thềm lục địa rộng nhiều tài nguyên…) và du lịch (trên 10 bãi biển đẹp, nhiều di tích lịch sử và kỳ quan tự nhiên).
Chính phủ Việt Nam đặt kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ. Để khai thác một cách hiệu quả hơn nữa lợi thế của khu vực này trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh những nỗ lực của chính mình, chúng tôi mong muốn hợp tác và học hỏi với bạn bè và đối tác quốc tế, trong đó Nhật Bản là người bạn thân thiết và đối tác quan trọng.
Cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt - Nhật, quan hệ giữa các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ với Nhật Bản trong những năm qua cũng đã có những bước tiến rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế hợp tác hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Với khả năng bổ sung tốt cho nhau, tôi tin tưởng rằng chúng ta còn rất nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giáo dục, hợp tác nguồn nhân lực và du lịch.
Hội nghị hôm nay là cơ hội rất quý giá, khi có đại diện của tất cả các cơ quan đại diện của Nhật Bản và cộng động doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều có mặt ở đây, có thể cùng đối thoại với lãnh đạo tất cả Chính quyền và các sở ngành của cả 6 địa phương khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong Hội nghị hôm nay, tôi mong muốn các bạn Nhật Bản sẽ hiểu thêm về tiềm năng, thế mạnh và chủ trương chính sách phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là những định hướng và dự án ưu tiên thu hút ODA và FDI từ Nhật Bản. Tôi có thể khẳng định Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác Nhật Bản mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác, đầu tư kinh doanh tại khu vực này. Tôi kêu gọi các địa phương Bắc Trung Bộ tích cực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, và sáng tạo hơn nữa để tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản thiết thực, hiệu quả, có chính sách đáp ứng tốt hơn nữa mong muốn của các đối tác Nhật Bản, đưa khu vực Bắc Trung Bộ của chúng ta thực sự trở thành điểm đến hứa hẹn và hấp dẫn với du khách, doanh nghiệp và các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tại hội nghị cũng như trong các cuộc tiếp xúc bên lề, tôi đề nghị Quý vị trao đổi cởi mở về những thuận lợi và khó khăn cụ thể trong hợp tác, nêu rõ mong muốn của mỗi bên, để cùng đề xuất thảo luận những giải phát thiết thực nhất để tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Tôi mong rằng sau Hội nghị này, nhiều địa phương và doanh nghiệp sẽ tìm được đối tác của mình, nhiều ý tưởng hợp tác sẽ được hoàn thiện để đưa vào triển khai trong thực tế.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin