Tại buổi họp trực tuyến với Chính phủ về việc phòng, chống Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4. Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng dù có những kết quả khả quan bước đầu, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp
"Những kết quả ban đầu chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. TP.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ", người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định.
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ cao xâm nhập ca bệnh từ trong và ngoài nước. Hiện, TP.HCM vẫn giao thương mạnh với các tỉnh thành và hàng ngày có hơn 1.000 người đến thành phố.
Báo cáo tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thành phố đã kiểm soát tốt dịch. Hiện, TP.HCM có 54 ca nhiễm, 40 người đã khỏi bệnh xuất viện. Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, thành phố đã có 10 ngày không có ca nhiễm mới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. |
Qua phân tích dịch tễ, TP.HCM phát hiện có 35 trường hợp ca nhiễm có nguồn lây từ nước ngoài, phát hiện trong cộng đồng 19 ca nhiễm. Nói về nguy cơ lây nhiễm tại thành phố, ông Phong cho biết về cơ bản, thành phố không phát hiện trường hợp mới nhưng nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn rất cao do một bộ phận người dân vẫn lơ là trong việc thực hiện Chỉ thị 16.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường chấn chỉnh việc lơi lỏng cách ly xã hội, người đứng đầu chính quyền địa phương cần chịu trách nhiệm và đội ngũ cán bộ, công chức viên chức phải nêu gương thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác phòng bệnh sẽ được tăng cường thông qua kiểm tra, giám sát 62 chốt, trạm kiểm dịch trên toàn địa bàn. Công nhân lưu trú tại khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ được xét nghiệm sàng lọc.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ nghiêm khắc yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19.
Cần tiếp tục hạn chế khách nhập cảnh
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay sau khi lấy ý kiến ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương và các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hầu hết đơn vị đều cho rằng cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội.
Trong đó, 8 địa phương được lấy ý kiến cho rằng cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4; 2 địa phương đề nghị kéo dài đến hết tháng 5 và 3 địa phương mong muốn tạm dừng thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15/4.
Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long. |
Ông Nguyễn Thanh Long thông tin các bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia đều có ý kiến chung là cần thiết tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn sau ngày 15/4, Thủ tướng có thể ban hành Chỉ thị mới dựa trên tình hình dịch bệnh và tình hình kinh tế xã hội của từng tỉnh.
Đối với việc hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần tiếp tục hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam cho đến ngày 30/4. Việc làm này nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tránh rủi ro làn sóng dịch bệnh thứ 2 đối với Việt Nam.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia cũng đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tăng cường thanh toán không sử dụng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Thông tin Truyền thông cần đề xuất công cụ làm việc trực tuyến mới và phù hợp đề phục vụ việc giãn cách xã hội.
Đến ngày 13/4, Việt Nam có 262 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, 159 người (61,2%) mắc bệnh từ ổ dịch nước ngoài chiếm 61,2%, 101 người trong nước lây thứ phát chiếm 38,8%.
TP.HCM ghi nhận 55 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 29 trường hợp đã hồi phục và xuất viện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin