Trong tỉnh

Đại biểu HĐND tỉnh tổ 6: Đề xuất nhiều cơ chế chính sách, dân sinh khu vực miền núi

20:50, 20/07/2020
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, phiên thảo luận tại tổ 6 diễn ra vào chiều 20/7 đã tiếp nhận nhiều ý kiến liên quan đến cơ chế chính sách, đời sống dân sinh khu vực miền núi.

Tổ 6 gồm các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Ông Lang Văn Chiến - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Châu chủ trì phiên thảo luận.

Tham dự phiên thảo luận có đại diện lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; đại diện các Sở Công thương, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, NN và PTNT, Thông tin - Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Hội cựu chiến binh tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; Bí thư Huyện uỷ, đại diện Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 6.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 6.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đều cơ bản đồng tình với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, các dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp.

Đóng góp thêm ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Vương Quang Minh - Đại biểu Quỳ Châu cho rằng: Tại trang 4 ở mục b khổ cuối có nội dung “nâng cao chất lượng hệ thống lưới điện”, đề nghị bổ sung thêm ý “và đầu tư điện lưới cho thôn bản ở vùng sâu vùng xa”; ở trang 5 mục d có câu “tích cực thực hiện công tác quảng bá xúc tiến du lịch”, đề nghị bổ sung thêm phía trước ý “tích cực nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch”; ở trang 9 khổ đầu dòng cuối có đoạn “bầu cửa đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, nội dung này chưa diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2020 chưa diễn ra, đề nghị sửa lại “Tâp trung triển khai Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu quốc hội” để phù hợp hơn.

Ông Vương Quang Minh - Đại biểu Quỳ Châu.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt ở vùng miền núi, đại biểu Vương Quang Minh cho rằng gặp nhiều khó khăn, nhất là xã hội hoá trong xử lý rác thải sinh hoạt. Đáng lưu ý, khu vực miền núi đầu nguồn sông suối nếu không ưu tiên xử lý rác thải sinh hoạt sẽ gây ảnh hưởng về lâu dài. Đồng quan điểm này, đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Đại biểu Quế Phong) cho rằng nước ở đầu nguồn ngày càng cạn kiệt do hệ luỵ từ các công trình thuỷ điện, thời tiết cực đoan, đề nghị các ngành, các cấp quan tâm đến vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Đình Minh (Quỳ Hợp) cũng phản ánh việc khai thác cát sỏi lòng sông ở một số nơi vẫn tiếp diễn, cần có biện pháp giải quyết quyết liệt.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường giải trình ý kiến của đại biểu.

Trả lời vấn khai thác cát sỏi, Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nội dung này để đưa quản lý khai thác cát sỏi lòng sông, đặc biệt là khai thác khoảng sản đi vào nề nếp. Đây là nguyên vật liệu cơ bản trong xây dựng nếu cấm triệt để sẽ gây những hệ luỵ như khan hiếm vật liệu dẫn đến tăng giá. Những năm gần đây, Sở tham mưu UBND tỉnh đưa ra đấu giá khai thác cát sỏi lòng sông vừa hợp pháp, vừa là nguồn thu ngân sách, vừa đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu trong xây dựng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát các trường hợp khai thác trái phép.

Điện tiếp tục là vấn đề được các địa phương, nhất là khu vực miền núi đặc biệt quan tâm. Theo phản án của đại diện lãnh đạo huyện Quế Phong, trước khi thực hiện việc sáp nhập, địa phương có 33 thôn bản chưa có điện, sau sáp nhập còn 17 thôn bản chưa có điện. Trong điều kiện khoa học - công nghệ phát triển hiện nay, việc các thôn, bản chưa có điện gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, phát triển kinh tế của địa phương.

Đại biểu Lưu Văn Hùng (Quế Phong) 
Đại biểu Lưu Văn Hùng (Quế Phong) 

Trả lời vấn đề này, ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới sẽ có 2 loại hình cung cấp điện cho các thôn bản: đưa lưới điện về tận thôn bản và triển khai dự án năng lượng mặt trời hoặc các dự án thuỷ điện nhỏ dành cho các thôn bản ở xa. Về loại hình điện lưới kéo về các thôn bản, Tập đoàn EVN hiện đã giao cho Tổng công ty điện lực miền Bắc thực hiện. Trong đó, huyện Quế Phong sẽ được cấp điện trong dự án này. Đối với những địa phương không đưa được điện lưới về, UBND tỉnh đã cấp 96 tỷ đồng, trong đó có 13 tỷ đồng là kinh phí đối ứng cho dự án điện do Sở Công thương làm chủ đầu tư về năng lượng tái tạo. Hiện đơn vị đang lập dự án để trình phê duyệt. Sở Công thương cũng đang quyết liệt triển khai điện năng lượng đến các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn.

Về việc thực hiện Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Minh - Đại biểu Quỳ Hợp cho rằng mức chi trả chưa phù hợp với thực tế, làm hạn chế hoạt động. Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Vương Quang Minh (Quỳ Châu) đề xuất thêm mức khoán bên cạnh việc chấm công để tạo sự linh hoạt trong việc thực hiện Quyết định này.

Giải trình nội dung này, đại diện Sở Tài chính dẫn chứng: "Nghị định 34 có quy định “Người hoạt động khôngn chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ NSNN, chỉ ấp dụng các chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố, người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố. Ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí cho các đoàn thể và từ các nguồn phí khác”. Theo đó, ngoài những chức danh trên, người trực tiếp tham gia mới được hưởng kinh phí. Thêm nữa, ngân sách không bắt buộc hỗ trợ. Tỉnh đã cố gắng sắp xếp bố trí 23 - 25 triệu hỗ trợ trong khả năng cân đối ngân sách, trong khi tỉnh Thanh Hoá 12 triệu đồng, Hà Tĩnh tối đa 22 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc khoán theo đề xuất của đại biểu xa rời Nghị định nên không thể thực hiện.

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu có ý kiến đề xuất về việc bố trí kinh phí để triển khai các dự án. Đại biểu Lưu Văn Hùng (Quế Phong) kiến nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí bàn giao đất rừng cho địa phương để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong diện được hưởng chính sách. Hiện trên địa bàn huyện mới triển khai bàn giao ở 3/13 xã; Quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện công tác bồi thường tái định cư Thủy điện Hủa Na, nhất là thực hiện đối trừ đất, cũng như bố trí kinh phí hàng năm cho việc duy tu, sửa chữa các công trình hậu tái định cư.

Một khu tái định cư Thủy điện Hủa Na. Ảnh: internet

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong) phản án, một số công trình giao thông quan trọng thực hiện chuyển tiếp vốn còn khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như việc phát triển kinh tế của địa phương.

Liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Giang Hoài (Quỳ Hợp)phản án việc thực hiện các quy trình thủ tục giao đất, cho thuê đất còn kéo dài, phức tạp. Tỉnh cần rà soát thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.  

Một số ý kiến thảo luận của các đại biểu tổ 6 đề nghị tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân vùng núi cao nhằm giảm áp lực dồn về tuyến trên; cần có giải pháp khắc phục khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng thúc khu vực miền núi…

Ông Lang Văn Chiến kết luận phiên thảo luận tổ 6.

Kết luận phiên thảo luận Tổ 6, ông Lang Văn Chiến ghi nhận, đánh giá cao ý kiến thảo luận của các đại biểu. Các ý kiến được tiếp thu đầy đủ và trình phiên làm việc ngày mai (21/7) của HĐND tỉnh..

Thuỳ Dương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện