Quân đội Mỹ liên tiếp thách thức Trung Quốc trên Biển ĐôngThanh Danh 06:03 01/05/2020Tuần dương hạm Mỹ áp sát Trường Sa ngày 29/4 là ngày thứ hai liên tiếp hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các hoạt động của hải quân Mỹ diễn ra giữa lúc quan hệ Washington - Bắc Kinh đang gia tăng căng thẳng ở khu vực. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng tình huống để "bắt nạt" các láng giềng ở Biển Đông.
Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, cho biết tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill ngày 29/4 đã thực thi quyền đi lại hàng hải và các quyền tự do (FONOP) tại quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tăng cường tần suất với "hoạt động khó đoán"
Cùng ngày 29/4, Mỹ đã điều động hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer tuần tra trên Biển Đông.
Hai phi cơ B-1B cất cánh từ căn cứ không quân Ellsworth, bang South Dakota, Mỹ bay thẳng đến Biển Đông để tiến hành nhiệm vụ tuần tra, sau đó quay ngược về Mỹ. Chuyến làm nhiệm vụ xuyên Thái Bình Dương kéo dài trong 32 giờ.
Bà Mommsen đồng thời khẳng định "hoạt động tự do hàng hải này cũng gìn giữ các quyền, tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển, theo đúng luật pháp quốc tế" thông qua thách thức những lệnh hạn chế về đi lại an toàn mà Trung Quốc và các bên áp đặt.
Trước đó một ngày, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry đã thực thi sứ mệnh tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển xung quanh quần đảo.
Theo CNN, các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ vẫn thường diễn ra, nhưng thông thường hai sứ mệnh được giãn cách vài tuần hoặc lâu hơn.
Việc hải quân Mỹ tiến hành hai hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) trong hai ngày liên tiếp là dấu hiệu cho thấy chiến lược mới của Lầu Năm Góc: "Chiến lược dễ đoán, hoạt động khó đoán".
Theo Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại trung tâm cố vấn chính sách Rand (Mỹ), chiến lược nhằm giữ đối phương trong tình thế luôn phải thấp thỏm đề phòng.
Một điển hình khác của chiến lược này là quyết định chấm dứt chương trình Máy bay ném bom Hiện diện Liên tục tại đảo Guam. Các máy bay ném bom chiến thuật B-1, B-2 và B-52 có thể được điều sang khu vực bất kỳ lúc nào chính phủ Mỹ mong muốn.
"Tương tự việc máy bay ném bom không còn hiện diện liên tục ở Guam, lực lượng hải quân Mỹ tại Biển Đông có thể tiến hành những hoạt động và sứ mệnh với mô hình bất thường, không giống với mô hình dễ đoán trong quá khứ", ông đánh giá.
Trong khi đó, hải quân Mỹ khẳng định hai sứ mệnh tự do hàng hải diễn ra liên tiếp là chuyện bình thường.
"Lực lượng Mỹ hoạt động ở Biển Đông hàng ngày", bà Mommsen nhấn mạnh tàu và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở mọi khu vực luật pháp quốc tế cho phép, "bất kể địa điểm đó có tồn tại các tuyên bố hàng hải phi lý hay những diễn biến trong hiện tại".
Trung Quốc nói đã điều động lực lượng cảnh cáo tàu USS Barry rời vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa - thông tin đã bị Mỹ bác sau đó.
Tàu khu trục USS Barry trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Getty. |
Mỹ tăng cường chỉ trích các động thái gây hấn của TQ
Vụ việc diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng. Ngày 23/4, trong cuộc họp trực tuyến với ASEAN, Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh dang sử dụng đại dịch để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại trước "cách hành xử khiêu khích" và "đơn phương" của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông lên án Trung Quốc "gia tăng áp lực quân sự và cưỡng ép những láng giềng trong khu vực Biển Đông, thậm chí táo bạo đến mức đâm chìm cả tàu cá Việt Nam".
"Mỹ kịch liệt phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các nước khác cũng yêu cầu họ thừa nhận trách nhiệm", ông Pompeo nhấn mạnh.
Ông Pompeo cũng đề cập đến việc Trung Quốc tự dựng lên 2 quận hành chính mới trên Biển Đông, áp đặt quản lý cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thông báo ngày 18/4 của truyền thông Trung Quốc, Quốc Vụ Viện nước này đã cho thành lập quận "Tây Sa" và "Nam Sa", trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Trung Quốc đặt ra các tuyên bố chủ quyền và hàng hải bao trùm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Trong những năm qua, nước này ngày càng hành động hung hăng để thực thi các tuyên bố này.
Bên cạnh việc cải tạo xây dựng đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa, Trung Quốc còn điều tàu thăm dò đến Biển Đông để thực thi các quyền ngụy tạo đối với tài nguyên khoáng sản, đồng thời điều động một số lượng lớn tàu hải cảnh đến khu vực.
Lực lượng hải quân Trung Quốc tiếp tục được mở rộng quy mô và hiện đại hóa gây nhiều lo ngại trong khu vực.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin