Ấm lời Người căn dặn
Tỉnh lộ 540 dẫn chúng tôi từ "làng Trù quê mẹ" sang "làng Sen quê cha", nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời. Mọi ngả đường đều ngập tràn sắc cờ, biểu ngữ mừng kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên những cánh đồng rộn ràng tiếng máy gặt đập liên hợp chạy hết công suất, trong mỗi ngôi nhà những gương mặt đều rạng rỡ niềm vui chung về một Nam Đàn trên đường đổi mới.
Sáng tháng Năm thanh bình ở Khu di tích Kim Liên. |
Cũng như bao làng quê trên đất nước Việt Nam - làng Sen thật dung dị, hồn hậu trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Ẩn mình giữa lũy tre xanh mộc mạc, có một nếp nhà tranh đơn sơ đó là ngôi nhà xưa của gia đình Bác, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, với những kỷ vật gắn với tuổi thơ như phản gỗ, khung cửi thân mẫu Bác thường ngồi dệt vải… Vẫn còn đó những hàng cau, gốc mít, hàng rào dâm bụt đỏ rực, dẫn lối vào nhà. Vẫn là hồ sen quanh năm nở hoa hương thơm ngào ngạt như tên gọi làng Sen.
Làng Hoàng Trù quê ngoại Bác Hồ. |
Về với làng Sen hôm nay, hoa sen như những bàn tay dịu dàng, thân thương chào đón con cháu và những vị khách thập phương. Lũy tre xanh bao quanh nhà Bác biểu tượng cho khí chất con người Việt Nam, ngay thẳng, dẻo dai, linh hoạt, cả lũy tre hợp lại với nhau ken thành một bức tường thành đánh tan mọi kẻ thù.
Tôi ngắm nhìn cây đa làng nơi mà hai lần về thăm quê, Bác đứng dưới tán cây tỏa bóng mát trò chuyện với bà con quê nhà. Dù bao năm đi xa, tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ của các nước khác nhau, nhiều vùng miền nhưng bà con ai cũng nghẹn ngào khi Bác vẫn nói chất giọng xứ Nghệ quá đỗi mộc mạc, thân thương: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Ngôi nhà tranh ba gian của Bác dù đã trải qua bao sương gió nhưng vẫn vững chãi. Những tấm liếp cửa bằng tre đã nhẵn bóng với thời gian vẫn chào đón mọi người. Về làng Sen, tôi được chạm vào bao ký ức một thời tuổi thơ của Bác. Đâu đây như vẫn vọng vang giọng nói ấm áp của Người: “Cán bộ và Nhân dân Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm".
Quê hương làm theo lời Bác
Khoảng vườn trước nhà Bác vẫn biếc màu tím hoa khoai lang và màu xanh của lạc. Cấp ủy, chính quyền các cấp nơi đây vẫn nhớ mãi lời nói nhẹ nhàng, sâu sắc, tế nhị nhưng thấm đẫm tinh thần lao động, vì nước, vì dân của Bác. Chuyện là, trong lần về thăm quê ngày 16/6/1957, nhìn ngôi nhà và vật dụng gắn với tuổi thơ, Bác đều nhận ra và rất xúc động. Thấy Bác ra thăm mảnh vườn ngày trước mẹ trồng khoai lang, một cán bộ địa phương xin phép Bác được trồng hoa cho đẹp thì Bác nói là hoa khoai lang vẫn đẹp đấy chứ. Lúc ấy tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu ý Bác, trong khi đất nước đang còn khó khăn, phải tích cực tăng gia sản xuất, phải tận dụng từng thước đất để lo cho dân cái ăn.
Vườn khoai lang vẫn luôn xanh tốt trước vườn nhà Bác |
Bởi thời điểm đó, miền Bắc vừa hòa bình nhưng “giặc” đói, “giặc” dốt thì vẫn còn đó. Việc lo cho dân cơm no áo ấm và xóa mù chữ là nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp lúc ấy. Ai cũng biết khoai lang không phải để lấy hoa mà là lấy củ, một loại cây lương thực ngắn ngày, dễ trồng, mau thu hoạch, lo cho dân cái ăn quan trọng hơn, đáng ưu tiên hơn nhu cầu làm đẹp. Từ đó đến nay, dù đã trải qua gần 65 năm, đất nước ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng mảnh vườn trước nhà Bác vẫn trồng khoai, lạc cho thu hoạch quanh năm như để nhắc nhở thế hệ mai sau phải không ngừng lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, 5 năm giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nam Đàn luôn nỗ lực thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn huyện đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo; qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong làm theo Người. Nhiều mô hình, điển hình tạo được sức lan toả rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Học và làm theo Bác chính là động lực to lớn để xây dựng Nam Đàn, quê hương Người trở thành huyện đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới.
Khu di tích Kim Liên triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẵn sàng đón du khách về thăm quê Bác. |
Được biết, Nam Đàn tiếp tục được Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, trong đó xã Kim Liên được xác định là điểm nhấn phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Đây là thành tựu quan trọng để chính quyền và Nhân dân xã Kim Liên hiện thực hóa lời căn dặn của Người khi về thăm quê.
“Xã Kim Liên đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1998 và nhiều phần thưởng cao quý. Mừng sinh nhật thứ 131 của Người, chính quyền và nhân dân vui mừng báo công với Bác là xã nhà cơ bản đã đạt các tiêu chí, đang đề nghị tỉnh công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Nổi bật là chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện; các giá trị truyền thống được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; khoa học, kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn làm đẹp cảnh quan môi trường” - ông Trần Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên cho biết.
Khởi sắc trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu ở Nam Đàn. |
“Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra. Văn hóa xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh ngày càng được giữ vững. Đây chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nam Đàn thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra” - bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin