Theo tờ Guardian (Anh), vào 13 giờ 38 phút ngày 31/12/2019, một trang web của chính phủ Trung Quốc tuyên bố phát hiện virus lạ gây bệnh viêm phổi tại khu chợ hải sản ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ngoài Trung Quốc, phát hiện này không gây mấy chú ý.
100 ngày sau đó, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm tê liệt vận tải quốc tế, đóng băng nhiều hoạt động kinh tế, buộc hàng tỷ người ở nhà, khiến trên 1,5 triệu người nhiễm bệnh và 88.502 người tử vong.
Ngày thứ nhất: 1/1
Chợ hải sản Vũ Hán đóng cửa
Chợ hải sản Vũ Hán đóng cửa. Ảnh: Reuters |
Khu chợ hàng ngày vốn tấp nập người bán kẻ mua lúc này chỉ có bóng dáng cảnh sát và nhân viên mặc đồ bảo hộ lui đến để phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, ngày 31/12/2019, khoảng 30 trường hợp tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) bị cách ly và theo dõi chặt chẽ vì cùng mắc bệnh “viêm phổi bất thường”. Nhiều trong số những bệnh nhân này làm việc tại chợ hải sản trong thành phố.
Mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập lo ngại bởi thông tin nhiều bệnh nhân có triệu chứng lạ ở bệnh viện Vũ Hán.
Ngày thứ 9: 9/1
Nhận diện virus Corona
“Thủ phạm” gây bệnh viêm phổi lạ đã được xác định. Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết bệnh nhân viêm phổi lạ tại Vũ Hán đã nhiễm virus Corona chủng mới.
Hai chủng virus Corona khác từng gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) - hai dịch bệnh nguy hiểm trong thế kỷ này.
Chủng virus Corona mới tại Vũ Hán cũng nguy hiểm không kém. Đêm 8/1, một người đàn ông 61 tuổi tử vong tại bệnh viện Vũ Hán, đây là nạn nhân thiệt mạng đầu tiên vì virus Corona mới.
Ngày thứ 13: 13/1
Thái Lan ghi nhận trường hợp đầu tiên
Virus Corona mới đã vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Thái Lan công bố trường hợp một công dân Vũ Hán 61 tuổi đến nước này đã nhiễm virus. Giám sát thân nhiệt tại sân bay ở Bangkok cho thấy ông này sốt cao.
Chính phủ Trung Quốc khi đó nói rằng chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy virus Corona mới này lây lan từ người sang người.
Tuy nhiên, các bệnh viện tại Vũ Hán lại ghi nhận số trường hợp nhiễm virus Corona mới tăng, không liên quan tới chợ hải sản.
Ngày thứ 20: 20/1
Xác nhận virus lây từ người sang người
Chuyên gia về bệnh hô hấp Zhong Nanshan xuất hiện trên truyền hình quốc gia Trung Quốc với tin xấu: hai trường hợp nhiễm virus Corona mới tại tỉnh Quảng Đông là những bệnh nhân không có liên hệ trực tiếp với Vũ Hán. Ông Zhong Nanshan kết luận rõ ràng: “Chúng ta có thể nói chắc chắn rằng đây là hiện tượng truyền bệnh từ người sang người”.
Tính đến thời điểm này, virus Corona mới đã lan khắp Trung Quốc và xuất hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Tình trạng hoảng loạn diễn ra ở Vũ Hán.
Ngày thứ 24: 24/1
Virus Corona mới đã lan tới châu Âu
Khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tại hiệu thuốc ở Bỉ. Ảnh: Reuters |
Giới chức Pháp cho biết 2 người mới đến từ Trung Quốc và một người họ hàng đã nhiễm virus Corona mới. Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn tuyên bố: “Phải xử lý dịch bệnh như dập lửa”.
Trước đó 2 ngày, khi được hỏi về virus Corona mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông không sợ và Mỹ có thể kiểm soát tốt.
Ngày 25/1, 56 triệu người Trung Quốc ở trong tình trạng phong tỏa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận nước này đang đối mặt với tình thế khó khăn. Một bác sĩ tại tỉnh Hồ Bắc tử vong là nhân viên y tế đầu tiên thiệt mạng và virus Corona mới.
Ngày thứ 31: 31/1
Dấu mốc mới
Đến cuối ngày 31/1, quy mô dịch bệnh do virus Corona mới gây ra đã vượt SARS. Anh, Tây Ban Nha và Italy đều ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Chưa có ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhưng số ca tử vong tại Trung Quốc tăng mạnh, với 258 trường hợp. Khi này, Mỹ tuyên bố không cho người nước ngoài gần đây từng đến Trung Quốc nhập cảnh.
Ngày thứ 36: 4/2
Trường hợp tử vong đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc
Một công dân Vũ Hán (Trung Quốc) tử vong tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Chính phủ Philippines tuyên bố không cho người mới đến từ Trung Quốc nhập cảnh.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định quá trình lây lan trên toàn cầu diễn ra chậm nhưng tình hình có thể tồi tệ hơn.
Ngày thứ 50: 19/2
Hàn Quốc bùng phát dịch
Ngày 20/1, Hàn Quốc đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.
Sau đó, tại thành phố Daegu, một phụ nữ 61 tuổi vẫn tham gia sự kiện của giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) dù có biểu hiện sức khỏe không tốt. Tín đồ này còn đến nhiều địa điểm khác và khiến 1.160 người tiếp xúc gặp rủi ro.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha xác nhận: “Virus SARS-CoV-2 đã bùng phát”.
Ngày thứ 56: 25/2
COVID-19 lan ra toàn cầu
Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh được ghi nhận, số ca nhiễm ở nước ngoài đã vượt qua Trung Quốc.
Đây mới chỉ là bước khởi đầu bởi mới 4 ngày trước đó, Italy ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên và đến 25/2 đã ghi nhận 11 trường hợp.
Iran công bố có 12 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Ngày thứ 66: 6/3
Italy rơi vào khủng hoảng
Một bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện tại Milan, Italy. Ảnh: Reuters |
Trên 230 người Italy thiệt mạng và mỗi ngày có trên 1.200 ca nhiễm SARS-CoV-2. Thủ tướng Giuseppe Conte nói: “Hệ thống y tế sẽ quá tải và chúng ta dự kiến gặp vấn đề với chăm sóc đặc biệt nếu khủng khoảng tiếp diễn”.
Ngày thứ 71: 11/3
COVID-19 là đại dịch
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Khi đó, toàn thế giới có 116.000 người mắc COVID-19.
Trong một ngày, số ca tử vong tại Italy là 168. Thủ tướng Giuseppe Conte công bố nước này đang ở trong thời khắc tối tăm nhất.
Ngày thứ 83: 23/3
Mỹ có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới
Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 370.000 trường hợp. Đến cuối tuần, Mỹ trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
Quân nhân Mỹ khử trùng một trường trung học ở New York. Ảnh: Reuters |
Số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại Trung Quốc có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, điều này đồng nghĩa với 3,5 tỷ người dân trên toàn thế giới đang sống với một hình thức cách ly, phong tỏa nào đó.
Ngày thứ 93: 2/4
Thế giới vượt ngưỡng 1 triệu ca mắc bệnh
Đến 8 giờ 40 phút tối (giờ GMT), Đại học Johns Hopkins (Mỹ) xác nhận số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt 1 triệu người và trên 50.000 trường hợp tử vong.
Ngày thứ 99: 8/4
Chặng đường tiếp theo
Một số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ghi nhận số ca nhiễm mới và trường hợp tử vong giảm. Trung Quốc công bố ngày đầu tiên không có người tử vong vì COVID-19.
Trên toàn thế giới, trên 75.000 người tử vong và 1,3 triệu trường hợp mắc COVID-19. Khoảng 270.000 người đã hồi phục. Các quốc gia vẫn chưa thống nhất hoàn toàn về kế hoạch hồi phục sinh hoạt thường nhật.
Ngày thứ 100: 9/4
Cả thế giới đã có trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19 trong đó Mỹ là nước có số ca nhiễm virus cao nhất.
Bang New York của Mỹ ghi nhận số ca tử vong trong 24h qua cao kỷ lục: 779.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin