Di tích đầu tiên của Việt Nam được Google số hóa 3D
Nhân ngày Di sản Thế giới (18/4), Google Arts and Culture cùng với CyArk, Tổ chức Lịch sử Môi trường Scotland và Đại học Nam Florida (Mỹ) công bố mở rộng dự án Di sản Mở (Open Heritage) bằng việc bổ sung 30 di tích lịch sử nổi tiếng có nguy cơ biến mất từ 13 quốc gia trên toàn thế giới, như Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson Mỹ, Nhà thờ Chính tòa Mexico City, Đền thờ thần Apollo Hy Lạp... Lăng Tự Đức là di tích duy nhất và đầu tiên tại Việt Nam có mặt trong dự án này.
Theo Google, việc Lăng Tự Đức được đưa vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè 2018, khi CyArk ( tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn di sản) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế để số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và lăng Hoàng Hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ.
Những hình ảnh, video 3D và 360 độ được ghi lại bằng cách quay, chụp từ bên trong, bên ngoài lẫn trên cao từ flycam. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia còn sử dụng cả máy quét laser nhằm tái hiện chính xác nhất các khắc họa bề mặt cũng như chi tiết toàn cảnh khuôn viên, trong và ngoài khu Lăng và điện.
Theo đại diện CyArk, việc được số hóa và đăng trên thư viện Di sản Mở sẽ giúp Lăng Tự Đức được quảng bá tốt hơn tới công chúng toàn thế giới. Bên cạnh đó, nó cũng giúp di tích này tiếp cận dễ dàng hơn tới nhiều người, từ đó giúp nâng cao nhận thức về giá trị của nó đối với lịch sử.
Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc ở thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức (1848 - 1883) lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình nhưng sau đó đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.
Google Arts and Culture đã là một đối tác công nghệ trong lĩnh vực văn hóa từ năm 2011. Trong khi đó, Dự án Di sản Mở là một thư viện kỹ thuật số các di sản và di tích lớn nhất thế giới, nơi mọi người có thể truy cập vào kho lưu trữ di sản 3D. Nó được lập ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, tài sản chung của nhân loại có nguy cơ bị tổn hại hay biến mất bởi tự nhiên, thiên tai hay chiến tranh.
Theo Tiền phong