Độc đáo lễ hội Bốc Mó, Quỳ Hợp
Lễ Bốc Mó là một nghi lễ quan trọng của đồng bào người Thổ có từ xa xưa, mó nước là nguồn nước ngầm tự nhiên phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân tộc Thổ ở Nghệ An. Mó nước còn mang ý nghĩa linh thiêng, là mạch nguồn của sự sống, thể hiện ở sự tích tổ tiên đi tìm mó nước, lập làng, gìn giữ, bảo vệ mó nước và phát triển làng bản sinh sôi, trù phú...
Theo truyền thống, lễ Bốc Mó thường được thường được tổ chức vào dịp sau Tết Nguyên đán, thường là vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ (vào khoảng tháng 4 - 5 âm lịch) hàng năm. Lễ Bốc Mó được tổ chức với ý nghĩa là lễ cúng khai thông mó nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho nguồn nước mó tuôn chảy dồi dào phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và cho việc tưới tiêu của cả cộng đồng...
Lễ vật chính trong lễ Bốc Mó gồm một thủ lợn, cỗ xôi, gà, bánh đầu chó, sừng trâu, bánh trôi, nổ gạo, rượu... Thầy mo là người đại diện cho dân làng thực hiện các nghi thức cúng trong lễ Bốc Mó cùng với 5 người trong ban nhạc tế lễ.
Mó nước ở xóm Mo có từ lâu đời phục vụ cho cánh đồng lúa hơn 30 ha luôn đạt năng suất cao và là nguồn nước sinh hoạt quanh năm của xóm không bao giờ bị cạn.Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, xã Nghĩa Xuân đã kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp được 75 triệu đồng khôi phục lại đền Mó cạnh Mó nước.
Sau khi kết thúc nghi thức cúng, thanh niên trai tráng trong làng đã hội tụ cùng lặn khơi thông mó nước, sau đó ăn mừng, múa hát cồng chiêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, nước mó hanh thông, ao chuôm đầy nước, mùa màng bội thu, xóm làng được yên bình, ấm no, hạnh phúc tại trung tâm nhà văn hóa của xóm.
Thu Hường