Tham dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW; Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Uông Chu Lưu - Uỷ viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí UVTW Đảng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Quân khu 4; Bí thư các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị.
Về phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Uỷ viên Dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy. Các đ/c Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch UBND, trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo huyện và đông đảo người dân trên quê hương Nam Đàn.
Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An. |
Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” là chương trình trọng điểm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các địa phương có điểm cầu thực hiện.
Toàn cảnh chương trình tại điểm cầu Nghệ An - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn). |
Thông qua chương trình ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong thời đại hôm nay, giáo dục truyền thống cho lớp trẻ trong tương lai. Chương trình được thực hiện năm 2020, năm bản lề quan trọng, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, tạo nên tinh thần phấn chấn, hồ hởi cho đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân.
MC Thu Hằng - Đài PTTH Nghệ An đồng hành tại điểm cầu quê Bác. |
Chương trình được thực hiện từ 5 điểm cầu, gồm: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An); Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh); Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang); Công viên Văn Miếu - Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Các địa điểm lựa chọn đều mang dấu ấn lịch sử và có mối liên hệ đặc biệt với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.
Tiết mục: Nhớ ơn Bác - ST: Phan Huỳnh Điểu do Thiếu nhi Nghệ An biểu diễn. |
Chương trình được chia thành 5 chương: Người trai chí lớn; Đi tìm mùa Xuân độc lập; Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới; Rạng rỡ Việt Nam. Trong đó, từ khóa "ý chí" được sử dụng làm nội dung xuyên suốt, đó là ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với ý chí sắt đá, Người đã trải qua biết bao khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ca sĩ Đinh Thành Lê da diết trong ca khúc: Người mẹ Làng Sen - st: Lê Hàm |
Ngay từ phút mở màn chương trình, bóng dáng Bác kính yêu, ngọn lửa ý chí, tinh thần Hồ Chí Minh vẫn hiện diện trong từng khoảng sân, căn phòng, con đường trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho đến mọi miền đất nước. Những tình cảm thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã được hàng trăm thiếu nhi tại các điểm cầu chuyển tải qua các liên khúc: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Nhớ ơn Bác, Mong Bác vô Nam, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác, Bác Hồ- Người cho em tất cả.
Người xem chương trình có dịp ngược về quá khứ, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước, hiểu hơn về cội nguồn của ý chí Hồ Chí Minh, ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ở đó, từ cuối thế kỷ 19, cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước trên mảnh đất Lam Hồng. Đất nước, nhà tan, cậu theo cha bước ra khỏi ngôi làng của mình, đi khắp đất nước, càng đi, càng nhìn thấy thực tại đau thương của đồng bào.
Kể tiếp những câu chuyện về Người trong chương trình còn có rất nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, xúc động, cạnh các phóng sự, phim tư liệu quý giá. Cũng trong chương trình, đã có rất nhiều nhiều cuộc giao lưu, trò chuyện với các khách mời đặc biệt như TS. John Callow - Giám đốc Thư viện tưởng nhớ Karl Marx, Anh quốc; TS. Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; Gs Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học tổng hợp quốc gia St.Peterburg, TS Nguyễn Văn Huy - con trai của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, các cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nhà báo Alberto Salazar Gutiérrez, Phân xã Hãng thông tấn Cuba, Giáo sư Furuta Motoo, Giám đốc Đại học Việt Nhật, Nguyên Giám đốc Đại học Tokyo…
Đặc biệt, thông qua những thước phim tư liệu quý giá, những ca khúc viết về Bác và câu chuyện của những nhân chứng, kỷ vật lịch sử đã khắc họa về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong tình cảm của đồng bào và người dân cả nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, Cựu TNXP Trần Thị Thông, người duy nhất sống sót sau trận bom ngày 31/10/1968 đã chia sẻ về ý chí quyết tâm chiến đấu của những TNXP Truông Bồn. Cựu TNXP Trần Thị Thông bồi hồi nhớ lại: "Trái tim luôn gắn bó với lời Bác Hồ dạy, thanh niên là ngọn lửa toả sáng. Chúng tôi ở lứa tuổi 19, đôi mươi, trong khi đất nước vẫn còn tiếng súng đã xung phong đứng lên cầm súng, chiến đấu vì quê hương đất nước".
Đông đảo người dân tham dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An. |
Nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam đã phấn đấu để thực hiện những điều Bác căn dặn trong Di chúc, coi đó là kim chỉ nam dẫn lỗi, chỉ đường để đưa Cách mạng đến thắng lợi. Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Các tiết mục âm nhạc, văn nghệ đặc sắc hát về Bác, về Đảng, về đất nước trong chương trình cũng gây nhiều xúc động cho người xem như “Người mẹ Làng Sen”, sáng tác: Lê Hàm; “Hoa sen Tháp Mười”, sáng tác: Trần Quang Lục; “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, sáng tác: Trần Trung - Nguyễn Trung Thu; “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, sáng tác: Trần Kiết Tường;… hay hoạt cảnh “Bước chân thế kỷ” tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh,…
Tất cả cùng làm sáng rõ hơn ý chí sắt đá, hành trình vượt mọi khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Bác Hồ kính yêu.
Điểm cầu Nghệ An với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. |
Cho đến nay, trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều chưa nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ. Chương trình “Hồ Chí Minh - sáng ngời tình yêu thương” đã thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, là nhịp cầu nối để thế hệ hôm nay và mai sau khắc sâu và thực hiện di nguyện của Bác: đoàn kết, đồng lòng, phát huy trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; để hai tiếng "Việt Nam – Hồ Chí Minh" sẽ luôn vang lên kiêu hãnh, tự hào trong lòng mọi người dân trong nước và trên thế giới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin