Chống dịch bằng phim võ thuật 3D
“Đại chiến Corona virus” có thời lượng gần 7 phút, là một bộ phim không lời, ghi lại cảnh giao chiến giữa nhân vật chính mặc bộ đồ truyền thống của người Pa Kô chống lại virus Corona được tạo hình như quái vật, để bảo vệ người thân. Trước khi giao chiến, chàng trai cẩn thận phát khẩu trang màu đen cho người thân và cũng tự trang bị cho mình.
Trong lúc giao chiến, nam diễn viên chính bị trúng thương, rơi khẩu trang nhưng được người bên cạnh tiếp sức. Chàng trai nắm chặt tay, chuẩn bị cho cuộc chiến sẽ còn kéo dài.
Tác giả của bộ phim, Hồ Văn Ngởi (tên thường gọi là Hồ Tu pông Ngởi, dân tộc Pa Kô, sinh năm 1992, ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, khi thấy cán bộ xã, thôn tuyên truyền chống COVID-19 cho người dân bằng loa, tờ rơi, pa nô… anh đã nảy ra ý định làm một bộ phim ngắn.
Ban đầu, anh mày mò làm phim hoạt hình, nhưng thấy chưa vừa ý. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng Hồ Văn Ngởi tìm ra hướng đi mới: Kết hợp giữa hoạt hình và người thật.
“Mình để nhân vật chính mặc áo truyền thống với ngụ ý ngoài các y bác sĩ, Bộ đội, Công an… thì mỗi người con bản làng cũng phải có trách nhiệm chống lại dịch bệnh. Hình ảnh bạn nhỏ đưa khẩu trang cho nam nhân vật chính trong phim cũng nói lên thông điệp: Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, tùy vào khả năng của mình để góp sức chống dịch. Bởi, nếu mọi người cùng chung tay, chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh để chiến thắng đại dịch”, Hồ Văn Ngởi chia sẻ thêm.
Ngoài thông điệp phòng, chống COVID-19, anh cũng lồng ghép một cách khéo léo, sinh động những nét đẹp văn hóa của người Pa Kô vào bộ phim.
Hồ Văn Ngởi mơ ước trở thành một nhà làm phim chuyên nghiệp |
Không được đào tạo chuyên sâu về làm phim nên Hồ Văn Ngởi gặp không ít khó khăn. Anh tự xây dựng kịch bản, chọn lựa diễn viên, xây dựng bối cảnh, quay và dựng phim, làm đồ họa…
Từ lúc bấm máy đến khi hoàn thành phim, Ngởi mất 2 tháng, công việc thường xuyên bị ngắt quãng vì có những hôm máy bị hỏng và các diễn viên còn bận đi làm. Có những hình ảnh chỉ dài 2-3 giây nhưng phải mất 2-3 ngày mới dựng xong. Biết bao nhiêu lần xóa đi làm lại mới ra thành phẩm cuối cùng.
Vất vả là vậy nhưng Ngởi bảo điều quan trọng là bộ phim đã gây được sự chú ý của mọi người. Hiện tại, bộ phim đã thu hút gần 8 nghìn lượt xem trên YouTube, nhận hàng trăm lượt thích và bình luận của người xem. “Hôm đầu tiên đưa phim lên kênh facebook và kênh Youtube cá nhân, mình rất bất ngờ vì mọi người quan tâm nhiều. Mình trả lời không hết số cuộc gọi, tin nhắn khen ngợi, chúc mừng. Tụi trẻ con ở bản thì thích lắm”, Ngởi thích thú khoe.
Hỏi về kinh phí sản xuất, Ngởi thật thà bảo: chẳng mất gì, vì mọi người trong nhóm đều thích nên tự động góp sức mà không đòi hỏi tiền công. Ngởi chỉ phải mua vài con cá rô phi về làm đạo cụ phục vụ cảnh quay.
Mong ước trở thành nhà làm phim chuyên nghiệp
Hồ Văn Ngởi là con thứ 4 trong gia đình nông dân có 5 người con ở A Môr, huyện Hướng Hóa. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Ngởi quyết định vào TP. Hồ Chí Minh học một khóa cơ bản về quay, dựng phim, rồi trở về bản làng mở một tiệm ảnh, quay phim phục vụ bà con.
Từ khoản tiền dành dụm sau những lần đi quay phim, chụp ảnh tại các lễ hội, đám cưới, hoặc các dự án, Ngởi mày mò làm những bộ phim cho cộng đồng Pa Kô, chủ yếu mở cho trẻ con trong bản xem để không quên cội nguồn.
Đã từ lâu, ngôi nhà của Ngởi trở thành một “trung tâm sinh hoạt cộng đồng” cho trẻ em, thanh thiếu niên trong bản. Ngởi bỏ tiền túi xây dựng một sân khấu nhỏ trước nhà, lập nhóm nhảy “Akay Vel” (Những đứa con của bản) và dạy nhảy, múa, kịch, dân ca Pa Kô, thậm chí cả hip-hop cho trẻ em. Mỗi đêm, cũng chính ở khoảng sân ấy, Ngởi chiếu các đoạn phim hoạt hình, phim về văn hóa người Pa Kô do mình làm cho trẻ em xem.
Để giúp các em nhỏ có điều kiện tiếp xúc với sách vở, tri thức, Ngởi thành lập một thư viện nhỏ miễn phí ở chính ngôi nhà của mình. Từ ngày có tủ sách, Ngởi thấy trẻ em bớt lang thang, chơi đùa ngoài bãi đất, bờ sông. Anh cũng tổ chức, hình thành khu vui chơi, sân đá cầu mây cho thanh thiếu niên địa phương với hy vọng giúp các bạn trẻ trong bản tự tin hơn, tránh xa tệ nạn xã hội.
“Mình lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, lớp 9 không có dép để đi học, không có truyện để đọc, thường xuyên phải nhịn đói. Điều đó làm mình thiếu tự tin. Năm lớp 10 mình mới tập và bắt đầu nói tiếng Kinh. Sự rụt rè làm mình mất đi nhiều cơ hội. Và mình không muốn các em nhỏ ở bản mắc sai lầm giống mình”, Hồ Văn Ngởi bộc bạch.
Năm 2019, Hồ Văn Ngởi được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gửi thư khen ngợi, biểu dương những nghĩa cử và hành động đẹp mà anh đã mang đến cho cộng đồng. Sự xuất hiện của Ngởi trong chương trình “Điều ước thứ 7” của Đài Truyền hình Việt Nam cách đây không lâu cũng giúp dân bản vơi đi nỗi lo về nước sạch khi thông qua chương trình, nhiều cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ nước sạch cho bà con.
Hiện nay, Ngởi đang làm cộng tác viên cho Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị. “Mình mong sau này trở thành một nhà làm phim chuyên nghiệp, mở được một công ty sản xuất phim để phục vụ nhu cầu của mọi người”, chàng trai dân tộc Pa Kô thổ lộ ước mơ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin