Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Nghệ An. |
Năm 1943 “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.
Hội thảo “80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam- khởi nguồn và động lực phát triển” nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An. |
Hội thảo lần này đã cung cấp cho các nhà quản lý, nhà khoa học và nhân dân hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, thời đại, tầm ảnh hưởng của đề cương về văn hóa Việt Nam 80 năm qua.
Hội thảo đề cập đến hai nội dung chính: "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam"; "Văn hoá, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới".
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 1 báo cáo Trung tâm và 173 bản tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu dẫn đề Hội thảo. Ảnh: VGP |
Theo đó, Hội thảo tập trung làm rõ, sâu sắc hơn các nhóm vấn đề: Bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử của Đề cương; Nội dung và giá trị toàn diện, to lớn, trường tồn của đề cương; Quá trình vận dụng, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện những tư tưởng quan trọng của đề cương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; Quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo định hướng của đề cương văn hóa. Hội thảo lần này không chỉ nhìn lại dấu mốc tự hào ở 80 năm về trước mà chính là một sự tiếp nối.
Thông qua hội thảo, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đồng thời nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của đề cương, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu chấn hưng văn hoá, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin