Ngày 14/12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, gồm 5 chương và 31 điều, có hiệu lực từ 1/2/2021. Nghị định này thay thế các Nghị định 79, Nghị định 15 về biểu diễn nghệ thuật trước đó, và cắt giảm một số điều khoản tại hai nghị định khác.
Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn đột ngột yêu cầu dừng lưu hành 5 ca khúc với lý do không rõ ràng, trong đó có ca khúc "Con đường xưa em đi". |
Theo đó, Nghị định số 144 quy định các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý. Các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm chấp thuận văn bản biểu diễn trong khuôn khổ hợp tác quốc tế ở Trung ương, UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về sự kiện diễn ra trên địa bàn. Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong thời hạn 5 ngày làm việc, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lí do.
Nghị định số 144 cũng nêu ra nội dung bị nghiêm cấm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật còn có: Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thủ giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Một trong những sửa đổi của Nghị định 144 so với Nghị định 79 được quan tâm nhiều nhất là việc bỏ quy định cấp phép phổ biến các ca khúc trước năm 1975. Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích: “So với Nghị định 79, nghị định mới đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, cắt giảm 5 thủ tục như cấp phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam, cấp phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn, cấp phép thi người đẹp, người mẫu và cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu".
Ca khúc "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng gây xôn xao dư luận vì chưa được cấp phép. |
Trước đó, Nghị định 79 về cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành hai nhóm với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài và tác phẩm sau năm 1975. Với tác phẩm sáng tác sau năm 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt Nam ở hải ngoại phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi khi tháng 3/2017 Cục Nghệ thuật biểu diễn đột ngột yêu cầu dừng lưu hành 5 ca khúc với lý do không rõ ràng. Trong số đó, có bài hát được hát nhiều năm nay là "Con đường xưa em đi". Trước phản ứng gay gắt của dư luận, quyết định này được thu hồi sau đó. Tuy nhiên dư luận lại tiếp tục xôn xao khi ca khúc nổi tiếng "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng trong hoạt động biểu diễn nhiều năm qua cũng vẫn chưa được cấp phép.
Đại diện lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định việc bỏ việc cấp phép phổ biến tác phẩm trước 1975 "tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển và tạo không gian sáng tạo cho văn nghệ sĩ". Quản lý nhà nước vẫn quản lý tác phẩm bằng cách chuyển từ tiền kiểm (kiểm tra trước sự kiện) sang hậu kiểm (kiểm tra sau sự kiện) là chủ yếu. Việc hậu kiểm này không nhằm bắt lỗi mà để tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn. “Mọi tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu không vi phạm vào Điều 3 của Nghị định 144 và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan”, ông Dương nhấn mạnh.
Điều 3 của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định những điều cấm cụ thể:
Thứ nhất, cấm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, cấm xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, cấm kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
Thứ tư, cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Ông Trần Hướng Dương kỳ vọng, những quy định mới này sẽ góp phần để công chúng được thưởng thức đầy đủ nhất những tác phẩm hay, có ý nghĩa, lành mạnh./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin