Duyên dáng Hội nàng Trăng
Ngược dòng thời gian, vào những năm cuối thế kỷ XIX, có một nhóm người Thái đen từ huyện Lang Chánh, Thường Xuân – Thanh Hoá vào đất Nghệ An chiêu dân khai khẩn, lập bản, dựng Mường, làng Giang được hình thành từ đó. Để phân biệt với gốc người Thái ở Nghệ An, họ được gọi là dân tộc Thanh cho đến ngày nay.
Trải qua bao biến cố thăng trầm, các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan đã dần được loại bỏ. Riêng phong tục tập quán tốt đẹp thì vẫn được duy trì cho đến tận hôm nay. Bản sắc ấy đã được chắt lọc qua từng thế hệ đã trở thành nét đẹp tinh tuý thấm đẫm trong tiềm thức của mọi người. Cũng như người Thái, người Thổ có lễ hội mùng 5 tháng 5, rằm tháng 7, lễ cơm mới, lễ tạ ơn… Đồng bào Thái đen còn có thêm lễ hội nàng Trăng hay còn gọi là Hội làng Bươn. Trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thanh, nàng Trăng tượng trưng cho sự trong sáng, thanh cao, thấu rõ nhân tình thế thái. Nàng thường ban phát hạnh phúc cho lứa đôi và hướng con người biết tránh xa những thói hư tật xấu, luôn vươn tới cái đẹp, điều thiện. Ngày xưa, chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến, cha mẹ thường ép duyên con. Để đá phá tư tưởng lạc hậu đó và thể hiện khát vọng vươn tới tự do trong việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi, hội nàng Trăng đã được tổ chức mỗi tháng mỗi lần, bắt đầu từ ngày 13 và kết thúc vào ngày 18 âm lịch. Qua lễ hội, các đôi trai, gái có điều kiện tìm hiểu nhau và nên vợ nên chồng.
Một thời gian khá dài, hội Nàng Bươn đã vắng bóng, chỉ còn lại trong ký ức của các bậc cao niên. Tuy nhiên, thời thiếu nữ sôi nổi, trẻ trung, đáng yêu vẫn còn in đậm trong tâm trí họ. Như sợ con chim bỏ quên tiếng hót, sợ loài hoa không còn khoe sắc, các bà, các mẹ đã dành khá nhiều công sức để truyền lại cho con cháu mình những nét đẹp trong đời sống tâm linh mà chỉ riêng dân tộc Thanh mới có.
Để chuẩn bị cho Hội Nàng Trăng, đã hơn một tuần nay, già trẻ, gái trai trong làng phải tất bật chuẩn bị các vật dụng cần thiết. Các cô gái, nhân vật chính trong lễ hội đang tự tay thêu cho mình những bộ váy, chiếc khăn đẹp nhất. Nếu như phụ nữ Thái ở Đồng Văn, Tiên Kỳ thường thêu trang phục hình con thú với màu sắc sặc sỡ thì trang phục của phụ nữ Thái đen thường có màu trầm theo mô típ hình quả trám với những đường nét sắc gọn. Sự khéo léo và lòng hiếu thảo của các cô gái, nàng dâu được thể hiện qua đôi bàn tay tài hoa của họ. Đến với hội nàng Trăng, các chàng trai sẽ dễ dàng tìm được cho mình người vợ giỏi giang thông qua trang phục mà các cô đang mặc.
Còn đối với các trai làng, công việc của họ trong những ngày này là chuẩn bị công chiêng, sân bãi, các công cụ phục vụ cho các trò chơi trong lễ hội. Đối với đồng bào dân tộc thì cồng chiêng là thứ nhạc cụ thiêng liêng, là hồn, là vía đã thấm sâu vào máu thịt.
Tuy câu chuyện trong lễ hội được hình tượng hoá nhưng lại rất gần gũi, thân thuộc với đời thường và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Điều quan trọng hơn là đã được thế hệ trẻ đón nhận với niềm khát khao và trân trọng những giá trị tinh thần mà tổ tiên, ông bà để lại.
Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày, từng giờ với nhiều loại hình vui chơi giải trí hiện đại, nhưng nét đẹp truyền thống của làng vẫn có sức sống âm thầm bền bỉ cùng năm tháng. Bà Lô Thị Hoa –Trưởng ban Văn hoá xã Nghĩa Thái cho biết: Xuất phát từ mục đích bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống nên cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm, đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, tạo điều kiện thuận lợi để bà con giữ gìn được bản sắc văn hoá của dân tộc mình…
Đã hơn một thế kỷ gắn bó với mảnh đất này, bản sắc riêng của làng Giang đã góp phần làm cho đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tân Kỳ càng thêm phong phú. Khát vọng từ ngày xưa về cuộc sống bình yên, no ấm về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi đã trở thành hiện thực. Trai gái làng Giang đã đỗ đạt thành tài, đã tự mình xây nên tổ ấm. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn họ, nàng Trăng vẫn luôn hiện hữu và toả sáng để hướng con người tránh xa cái xấu, biết làm nhiều điều thiện để vẻ đẹp này sống mãi với thời gian.
(Nguyễn Thương)