Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chữ Thái hệ Lai-Tay ở Quỳ Hợp

14:39, 20/08/2012
Ở Việt Nam, Thái là dân tộc thiểu số có tiếng nói và chữ viết sớm. Chữ Thái, trong đó, có chữ Thái hệ Lai-Tay ở Quỳ Hợp, Nghệ An, là phương tiện ghi chép và lưu giữ thông tin về kinh tế, xã hội, văn hóa của dân tộc Thái. Tuy nhiên, tại Quỳ Hợp có 43% người dân tộc Thái sinh sống nhưng số người dân biết chữ Thái Lai-Tay chỉ khoảng 1-2% dân số. Vì vậy, việc bảo tồn và dạy cho

 

Người Thái là dân tộc thiểu số có nền văn hóa lâu đời, có tiếng nói và chữ viết từ rất sớm. Do đặc điểm riêng và sự lựa chọn giữa các vùng nên người Thái đã cho ra đời 8 loại hình kí tự cổ khác nhau, nhưng đều có nguồn gốc từ chữ Sanscrit (Ấn Độ) thông qua mẫu tự Khmer. Tám loại hình kí tự cổ đó là: chữ Thái Đen ở các huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai; chữ Thái Trắng ở huyện Phong Thổ (Lai Châu); chữ Thái Trắng ở huyện Mường Lay, Mường Tè (Lai Châu); chữ Thái Trắng ở huyện Phù Yên (Sơn La); chữ Thái Trắng ở huyện Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình); chữ Thái của người Thái Tay Thanh ở Thanh Hoá và Nghệ An; chữ Thái hệ Lai - Tay ở Phủ Quỳ (Nghệ An); chữ Thái hệ Lai - Pao ở Tương Dương (Nghệ An).

 

Chữ Thái Lai- Tay, cũng có tên gọi khác là chữ Thái Qùy Châu, được sử dụng phổ biến tại các huyện thuộc phủ Qùy Châu cũ của tỉnh Nghệ An (nay có liên quan đến địa giới các huyện Quế Phong, Qùy Châu, Qùy Hợp và Nghĩa Đàn). Chữ Thái Lai-Tay khác với các hệ chữ Thái khác là không viết theo hàng ngang mà viết theo hàng dọc, đọc từ trên xuống dưới, theo dòng từ phải sang trái, và không có nguyên âm nào ghép với phụ âm theo trật tự đảo ngược so với quy luật thông thường.

 

Thực tế cho thấy, vai trò lưu giữ về mặt tư liệu lịch sử của chữ Thái Lai - Tay là rất quan trọng thông qua việc "giải mã" các thông tin từ trong quá khứ về lịch sử quê hương, gia đình, dòng họ... Tại huyện Quỳ Hợp, người dân tộc Thái chiếm 43% tổng dân số nhưng số người dân biết nhận diện chữ Thái Lai - Tay chỉ còn chiếm khoảng 1-2% dân số, mà chủ yếu là người già trên 60 tuổi. Các quyển sách chữ Thái Lai – Tay cổ trên địa bàn huyện cũng rất hiếm hoi, và chính chủ nhân của chúng cũng không hiểu được nội dung ghi chép bên trong.

 

 

Thầy Sầm Văn Bình dạy chữ Lai - Tay cho học viên xã Châu Cường (Quỳ Hợp). 

 

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, một số lớp học chữ Thái hệ Lai - Tay được thực hiện lần đầu tiên cách đây 5 năm tại 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong, do ông Lô Khánh Xuyên và ông Vi Ngọc Chân truyền dạy; ở huyện Tương Dương, có ông Kha Văn Hợi cũng tự biên soạn tài liệu và dạy chữ Thái cho nhân dân. Tuy vậy, do tài liệu dạy học chưa thống nhất về mặt khoa học và sư phạm, việc thực hiện thiếu quy mô và tổ chức nên các lớp học trên chưa mang lại hiệu quả nhiều. Xuất phát từ nhu cầu và thực tế đó, đề tài "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An" đã được triển khai thực hiện. Đề tài do phòng Công thương huyện Quỳ Hợp chủ trì, kỹ sư Sầm Văn Bình làm chủ nhiệm.

 

Đề tài là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ đặc điểm tự dạng, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của chữ Thái hệ Lai-Tay để từ đó biên soạn được bộ Tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ Thái Lai-Tay bao gồm 5 cuốn : Sách hướng dẫn học chữ Thái; Sách từ vựng; Sách ngữ pháp; Sách bài tập; Sách tham khảo. Bộ tài liệu đã cung cấp những tri thức cơ bản về văn tự, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Thái hệ Lai-tay, giúp việc học và dạy ngôn ngữ này trở nên thuận tiện và bài bản hơn.

 

Tài liệu Từ vựng chữ Thái được soạn thảo theo cách kết cấu của các tài liệu từ vựng thông thường, đồng thời người biên soạn đã đưa vào cả các tự dạng chữ Thái hệ Lai- Tay ứng với mỗi từ. Tài liệu này cung cấp khoảng 2000 từ tiếng Thái.

 

Tài liệu Sách Ngữ pháp phân tích từ và cấu tạo các từ, đưa ra các từ loại và cách phân biệt, kết cấu câu và cách ghép câu.

 

 

Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái do thầy Sầm Văn Bình biên soạn

 

Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái hệ chữ Lai-tay hay còn gọi là Tài liệu giáo khoa, bao gồm 21 bài khóa, xây dựng theo tuần tự Bài đọc và phần chữ Thái, Chú thích, Tập viết chữ, Bài học ngữ âm, Bài luyện tập. Đây là tài liệu chính phục vụ cho các học viên tham gia lớp tập huấn. Các bài khóa được lựa chọn phù hợp với cả hai nhóm đối tượng chủ yếu là người lớn và trẻ em.

 

Bên cạnh đó, Tài liệu Sách tham khảo đưa vào nội dung đầy đủ của một số bài khoá nhằm kích thích, khuyến khích các học viên đọc thêm để hiểu thêm về nội dung đầy đủ của văn bản. Một số bài mo, cúng... trong sách tham khảo được vận dụng ngay trong các gia đình.

 

Tài liệu Sách Bài tập nhằm giúp người học ôn luyện và sử dụng trong các kỳ kiểm tra đánh giá học viên, yêu cầu người học tổng hợp các kiến thức đã được học về từ vựng, ngữ âm, ghép vần, viết chữ Thái và đọc- dịch chữ Thái...

 

Từ cơ sở nghiên cứu, biên soạn tài liệu, các tác giả đã đề xuất mô hình đào tạo chữ Thái cho bà con dân tộc Thái trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Mô hình được đưa ra là tổ chức lớp học dựa trên sự hoạt động của Câu lạc bộ chữ Thái, hoạt động dưới sự chỉ đạo của UBND xã hoặc một đoàn thể có tư cách pháp nhân của địa phương.

 

Với đặc điểm nổi bật là người Thái chiếm hơn 90% dân số toàn xã, xã Châu Cường đã được lựa chọn làm địa điểm xây dựng mô hình đào tạo chữ Thái hệ Lai –tay. Câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường được thành lập vào năm 2006, đến nay thành viên lên đến 40-50 người, với hoạt động chủ yếu là tổ chức các lớp dạy và học chữ Thái Lai – tay, sưu tầm các văn bản cổ, đồng thời với các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của tộc người Thái như sinh hoạt văn nghệ cồng chiêng, hát suối nhuôn, hát lăm, thêu dệt thổ cẩm. Câu lạc bộ không sinh hoạt thường kỳ nhưng các thành viên liên hệ chặt chẽ với nhau, đặc biệt tập trung vào các dịp lễ hội như lễ hội Mường Ham đầu xuân. Trong các dịp này, Câu lạc bộ tổ chức các hoạt động sôi nổi như thi viết chữ Thái, các trò chơi dân gian, các màn hát múa, cồng chiêng đặc sắc của dân tộc.

 

Có thể nói, các hoạt động của Câu lạc bộ là nền tảng văn hóa để duy trì các lớp học chữ Thái. Từ khi thành lập tới nay Câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường đã tổ chức được 5 lớp dạy chữ Thái, mỗi lớp khoảng 20-30 học viên, là bà con dân bản, người lớn, trẻ nhỏ, cán bộ,… tức là bất cứ ai có nguyện vọng đều được nhận vào lớp. Lớp học do ông Sầm Văn Bình trực tiếp giảng dạy, với phương pháp truyền thụ trực quan, cầm tay chỉ việc cho từng học viên. Các học viên tốt nghiệp đều trải qua một kỳ thi đánh giá kết quả, khi đã đọc thông viết thạo chữ Thái Lai – tay sẽ được cho tốt nghiệp. Rất nhiều học viên trẻ tuổi được tham dự lớp học này đã hiểu và tự hào hơn về nền văn hóa của dân tộc mình.

 

Đối với những học viên lớn tuổi, việc đọc thông viết thạo ngôn ngữ của dân tộc mình là niềm hạnh phúc lớn lao, nên cho dù việc tiếp thu có khó khăn hơn lớp trẻ nhưng vẫn không ngừng cố gắng học tập. Bởi họ mong muốn lưu truyền chữ viết, tiếng nói của dân tộc, của cha ông mãi mãi về sau như con sông, con suối chảy mãi không ngừng.

 

Bà Lương Thị Phiên là giáo viên tiểu học về hưu. Tuổi đã cao nhưng bà là thành viên rất tích cực của Câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường. Thời gian tham gia lớp học chưa nhiều nên bà Phiên vẫn chưa đọc thông viết thạo chữ Thái, thế nhưng, biết được chữ nào, bà đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi để hướng dẫn lại cho hai đứa cháu nội nhỏ tuổi, để chữ Thái đến được với bà cũng sẽ đến được với các cháu, với thế hệ trẻ của dân tộc Thái, để ngôn ngữ và văn hóa Thái không phôi pha, mai một theo thời gian. Đây chính là sức lan tỏa và là ý nghĩa vững bền của đề tài khoa học này.

 

Cho đến nay, đề tài Nghiên cứu biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái Lai- tay ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã kết thúc giai đoạn một, nhưng các hoạt động, ý nghĩa của đề tài vẫn tiếp tục được mở rộng, lan tỏa, minh chứng cho giá trị thiết thực của đề tài về: góp phần nâng cao dân trí, cơ hội tiếp thu thông tin KHKT được phổ biến trực tiếp bằng ngôn ngữ Thái, giúp bà con xóa đói giảm nghèo; ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng hiệu quả tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật; tạo sự tin tưởng ở đồng bào…; bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, trong đó có ngôn ngữ Thái, góp phần vào mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”; khắc phục các biểu hiện tiêu cực của văn hóa không lành mạnh, mê tín dị đoan, tránh mai một các giá trị văn hóa, tinh thần của ngôn ngữ Thái. Dự kiến đề tài sẽ được triển khai thực hiện giai đoạn 2 với những mô hình cụ thể, phục vụ công tác dạy và học chữ Thái hệ Lai - Tay cho nhân dân, cán bộ các cấp ở huyện Quỳ Hợp và các huyện miền Tây Nghệ An.

 

Hiện nay, sự duy trì hoạt động của Câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường và sự truyền dạy của từng cá nhân cho con cháu, họ hàng, người thân,… đang góp phần bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể thiêng liêng của dân tộc Thái trên mảnh đất Quỳ Hợp nói riêng, đồng bào dân tộc Thái nói chung. Hy vọng rằng, mô hình mà đề tài đề xuất sẽ có điều kiện phát triển rộng ra các xã khác trong toàn huyện để cùng với các mô hình dạy học chữ Thái của nhiều huyện khác như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, chữ Thái sẽ ở lại mãi với đồng bào dân tộc Thái.

 

(Anh Đào)