Ngày 1/5: Người công nhân cần gì?
Cho đến hôm nay, trên thế giới, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã duy trì và bảo vệ thành công quyền tổ chức, lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng đại diện cho mình.
Đó là sự đảm bảo, là điều kiện tiên quyết để lao động Việt Nam nói chung và giai cấp công nhân nói riêng được chia sẻ một cách bình đẳng, công bằng những thành quả phát triển của đất nước; được thụ hưởng đầy đủ các điều kiện, cơ hội phát triển cho bản thân họ, gia đình họ và con cái họ.
Đây là những giá trị mà có lẽ những công nhân thành phố Chicago (Mỹ) từng mơ ước khi xuống đường đấu tranh cách đây 125 năm và bị đàn áp dã man.
Ngày nay, với một lực lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động xã hội và 11% dân số cả nước nhưng giai cấp công nhân Việt Nam lại đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội. Như vậy, tiếp nối những chương oanh liệt trong lịch sử hiện đại của dân tộc, họ vẫn đang giữ vai trò trung tâm ở phương diện sản xuất ra của cải xã hội.
Ở vị trí ấy, họ tất nhiên là đối tượng chăm lo của nhiều chủ trương, chính sách lớn.
Chăm lo cho công nhân và tầng lớp lao động ngày nay không chỉ dừng ở việc đảm bảo những quyền cơ bản của người lao động theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. Nó phải được cụ thể hóa ở nhiều phương diện. Mà cụ thể và thiết thực nhất là đảm bảo để họ có việc làm, giúp họ nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời có tiết kiệm cho tương lai của mình.
Giai cấp công nhân Việt Nam đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội |
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, thu nhập bình quân của công nhân hiện chưa phải nằm trong nhóm khá của xã hội.
Với tốc độ gia tăng giá cả như hiện nay, phải rất chật vật, mỗi người lao động mới có thể trang trải những nhu cầu tối thiểu của gia đình. Chế độ lương tối thiểu là mức sàn bắt buộc mỗi chủ sử dụng lao động phải tuân thủ. Tuy vậy, nhu cầu thực tế của người lao động bao giờ cũng nhiều hơn thế. Thế nên, cơ chế để đảm bảo cho họ có thể “đối thoại” với giới chủ, với mục đích được trả lương tương xứng với đóng góp, cần được hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi cao hơn. Trong đó, tất nhiên có cả quyền đình công, bãi công theo luật khi đối thoại giữa hai bên thất bại.
Và khi đội ngũ công nhân lao động càng phát triển hùng hậu thì năng lực của tổ chức công đoàn - người đại diện quyền lợi cho họ - cũng phải được nâng lên tương xứng. Có lẽ tổ chức công đoàn chỉ phát huy hết vai trò khi lợi ích của từng cán bộ công đoàn gắn bó chặt chẽ với lợi ích của người lao động, lên xuống theo lợi ích của người lao động. Nói cách khác, công đoàn cần thực sự độc lập với giới chủ sử dụng lao động, công đoàn chỉ có một “ông chủ” là người lao động.
Một điều quan trọng không kém là những nhu cầu xã hội và tinh thần của công nhân, lao động. Thực tế cho thấy, hầu hết các khu công nghiệp được xây lên mà chưa tính hết đến nhà ở cho công nhân, khu vui chơi, giải trí cho họ, nhà trẻ và trường học cho con cái họ… Để lo được việc này, ngoài vai trò dẫn dắt của Nhà nước, không thể thiếu được trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Tóm lại, đây là giai đoạn mà nhà nước và xã hội cần ưu tiên cao độ cho việc hiện thực hóa những quyền của người lao động đã được pháp luật quy định, tìm mọi cách thấu hiểu xem họ thực sự cần gì?
Đó là sự chăm lo thiết thực nhất để giai cấp công nhân Việt Nam có đủ năng lực, bản lĩnh, trí tuệ ngang tầm với sứ mệnh mà thời đại đã giao phó.
(Theo VOVnews)