Nghệ An: Nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng công tác DS/KHHGĐ
Phát tờ rơi tuyên truyền công tác Dân số - KHHGĐ ở Tương Dương (Ảnh: Báo Nghệ An)
|
Xác định được tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, huyện Thanh Chương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát các chỉ tiêu về dân số. Bên cạnh củng cố bộ máy và đội ngũ làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở, Thanh Chương tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông vận động gắn với việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Cùng với đó, địa phương còn chú trọng việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và thực hiện tốt cam kết và xây dựng các cơ chế chính sách về dân số. Bằng các giải pháp nói trên, nhiều năm liên tục Thanh Chương duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 0,8%, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm nhanh từ 23,3% năm 2005 xuống còn 15,3% vào năm 2011. Toàn huyện hiện có 223 xóm không có người sinh con thứ 3, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn 19,1%. Ông Trần Viết Thành, phó giám đốc Trung tâm dân số huyện Thanh Chương cho biết: Huyện đã xây dựng thành công nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực như truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho đồng bào vùng đặc thù, sống trên sông nước, dân tộc thiểu số; Đội truyền thông dân số ở 40 xã, thị; Câu lạc bộ nam nông dân; Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên trẻ…
Huyện Nam Đàn - một trong những địa phương luôn được đánh giá cao vì có nhiều cách làm hay trong thực hiện giảm sinh, duy trì mức sinh thay thế và giảm nhanh sinh con thứ 3 trở lên. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về dân số - KHHGĐ, huyện quan tâm ổn định tổ chức bộ máy, chú trọng công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở, tăng cường đổi mới và nâng cao hoạt động tuyền thông, đưa hạot động này xuống tận địa bàn dân cư nhằm tuyên truyền tư vấn đối tượng. Đồng thời, triển khai các dịch vụ KHHGĐ, trong đó truyền thông đi kèm với dịch vụ. Điều này đã tạo thuận lợi cho các cặp vợ chồng, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám và chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
Nhận thức rõ công tác DS-KHHGĐ là khâu chuẩn bị quan trọng cho đầu vào của nguồn nhân lực có chất lượng và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, trong những năm qua, Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến công tác Dân số/KHHGĐ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đề ra những giải pháp cụ thể, trọng tâm để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu công tác dân số. Cộng với sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực hết mình của đội ngũ những người làm công tác dân số, 50 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010, công tác DS-KHHGĐ ở Nghệ An đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Cùng với việc tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 9-10% là tỷ lệ sinh đã giảm nhanh từ 32%o năm 1995 xuống ở mức 17%o năm 2010 và tỷ lệ phát triển dân số đã giảm từ 2,4% xuống chỉ còn xấp xỉ 1,1%. Số trẻ sinh ra hàng năm đã giảm từ 80.000 cháu vào 1995 xuống còn khoảng 42.000 - 4500 cháu trong những năm gần đây. Và trong hơn 15 năm qua, toàn tỉnh đã tránh sinh được trên 25 vạn cháu. Nhờ kết quả của mức tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và mức sinh giảm nhanh trong thập kỷ vừa qua đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trong toàn tỉnh tăng lên đáng kể; Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh từ 32% năm 1995 xuống còn xấp xỉ 12% năm 2010. Những kết quả đó đã góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ đổi mới; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người và cải thiện đời sống nhân dân; giảm tình trạng đói nghèo.
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua, thời gian tới Nghệ An phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 1 hoặc 2 con để nuôi day cho tốt; giảm tỷ lệ sinh bình quân mỗi năm khoảng 0,5 - 0,6%0 và tỷ lệ gia tăng dân số xuống khoảng 1,1%. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình, giải pháp, các đề án can thiệp nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các dịch vụ về CSSKSS/ KHHGĐ một cách an toàn và thuận lợi cho các đối tượng. Từ đó, sớm đạt được mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên quê hương Bác Hồ kính yêu.
(Hiến Chương)