Cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở núi ở huyện Kỳ Sơn
Hơn 20 hộ dân đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nguyên nhân là do cả mái núi bị sụt lún có thể đổ ập xuống các ngôi nhà bất kỳ lúc nào. Kinh phí để khắc phục vượt khỏi khả năng của một huyện nghèo như Kỳ Sơn, trong khi sự cấp thiết phải xử lý tình trạng sạt lở đang tính bằng ngày.
23 gia đình sống dưới mái núi này đều cửa đóng then cài. Bỏ lại nhà cửa, bỏ cả công việc kinh doanh, 6 nhân khẩu nhà bà Nguyễn Thị Liên phải chia làm đôi để đến nhờ tá túc nhà người thân. Có nhà nhưng phải đi ở nhờ, ở trọ là điều cực chẳng đã nhưng chứng kiến những vết nứt trên núi ngay sau lưng nhà thì gia đình bà thà chịu phiền còn hơn đối mặt với tính mạng bị đe dọa.
Hơn 20 hộ dân sống ngay dưới chân núi phải khoá cửa đi ở nhờ, bởi nguy hiểm từ vết nứt trên núi đe doạ an toàn của người dân. |
Bà Nguyễn Thị Liên ở khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Hiện các thành viên trong gia đình phải đi ở nhà họ hàng rất phiền. Do các gia đình đều đông người nên khi thêm người từ chuyện ăn uống đến sinh hoạt hàng ngày đều bất tiện”.
Cuộc sống của người dân khu vực này bị xáo trộn và bất an. |
Dọc theo Quốc lộ 7A hơn 200m, cả mái núi cao 150m đầy những vết nứt toác. Có nhiều vết nứt dài từ 5 - 10m và sâu từ nửa mét đến hơn 2m. Theo những người dân đã sinh sống ở đây hàng chục năm, khoảng 10 năm nay, mái núi này đã có tình trạng sụt lún. Từng bị đất đá trên núi lở xuống nhà, nỗi lo của anh Nguyễn Văn Trung càng tăng thêm khi những năm gần đây, tốc độ sụt lún ở đây ngày một nhanh và mạnh hơn.
Vết nứt dài, sâu chạy dọc trên núi. |
Nói về tình trạng này, anh Nguyễn Văn Trung - Người dân khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Tình trạng nứt, sạt lở diễn ra từ năm 2010 đến bây giờ. Mỗi năm sụt lún thêm một ít, đất đá ùn lên. Nhà tôi vừa rồi bị khoảng 15 khối đất, đá trôi xuống”.
Đất đá trên núi đổ xuống nhà anh Nguyễn Văn Trung ở khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. |
Để xử lý triệt để tình trạng nứt, sạt lở hiện tại sẽ phải đào khoảng 200.000 m3 đất đá để giảm tải cho mái núi. Kinh phí thực hiện vào khoảng 12 tỷ đồng. Số tiền này thực sự vượt khả năng cân đối của một huyện nghèo như Kỳ Sơn.
Ông Nguyễn Anh Đoài - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Sơn cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị Trung ương, tỉnh hỗ trợ cấp bách để huyện xử lý nhanh nhất có thể”.
Dù là nguồn kinh phí nào để khắc phục thì tình trạng sạt lở tại khối 4, thị trấn Mường Xén không thể chậm trễ. Ngoài 23 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp thì còn khoảng 10 hộ sát vùng sạt lở cũng đang sống với tâm trạng nơm nớp ngay trong ngôi nhà của mình. Quốc lộ 7 đoạn qua khu vực này cũng hoàn toàn có thể bị vùi lấp nếu tình huống xấu xảy ra, đặc biệt là khi mùa mưa đang đến gần.
An toàn của hơn 20 hộ dân dưới chân núi đang bị đe doạ từng ngày. |
Mong muốn của bà Nguyễn Thị Liên - Người dân khối 4, Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn: “Điều mong mỏi lớn nhất của chúng tôi lúc này là được chính quyền xử lý nhanh để có thể ổn định cuộc sống, làm ăn. Mùa mưa đến sẽ càng khó xử lý tình trạng này”.
Dưới vết nứt, sụt lút mái núi, cuộc sống của hơn 20 hộ dân đang bị đe dọa. Điều mà người dân mong mỏi là tình trạng này cần được xử lý càng sớm càng tốt./.
Xuân Hướng – Trường Ca