Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khe Sanh, miền đất chết hồi sinh

07:04, 09/07/2018

Vùng đất chiến trường ác liệt Khe Sanh ngày nào nay đang trở thành biểu tượng sống động cho sự hồi sinh và hội nhập mạnh mẽ.

Mùa hè năm 1968, từ núi rừng Đường 9- Khe Sanh, bộ đội Cụ Hồ cùng đồng bào các dân tộc miền Tây tỉnh Quảng Trị làm nên Chiến thắng Khe Sanh vang dội địa cầu. 50 năm sau, vùng đất chiến trường ác liệt này trở thành biểu tượng sống động cho sự hồi sinh và hội nhập mạnh mẽ trên hành trình vươn tới tương lai. Dịp này, nhiều hoạt động đã được tổ chức ở vùng đất lửa anh hùng. 
 
Nửa thế kỷ, bước ra khỏi chiến tranh, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có những vùng chuyên canh cây công nghiệp giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, chuối và nhiều nông lâm sản khác. Những hố bom, trận địa ngày nào nay mướt mát màu xanh của hòa bình, đủ đầy.
Một góc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Một góc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Trên nhịp cầu Xuyên Á thênh thang và rộng mở, Hướng Hóa trở thành biểu tượng sống động cho sự hồi sinh và hội nhập mạnh mẽ trong hành trình vươn tới tương lai. Dáng dấp của một huyện miền núi kiểu mẫu đã hình thành.
 
Ông Dương Quát, ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa tin tưởng: "Đã định hướng rất rõ ràng là tương lai bà con sẽ sung sướng. Đất đai tốt, sức lao động ta có... Nhà nước đẩy mạnh các cuộc cải cách lớn thì bà con sẽ sung sướng".
 
Trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa hôm nay đã có những công trình lớn như: Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, Nhà máy thủy điện Rào Quán; 21/22 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường, lớp xây dựng đến tận thôn bản. Bây giờ, Khe Sanh và Lao Bảo trở thành 2 thị trấn động lực trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của những đô thị trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây.
Một góc thị trấn Khe Sanh hôm nay.
Một góc thị trấn Khe Sanh hôm nay.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khẳng định: "Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện, đặc biệt tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị dọc Quốc lộ 9, trọng tâm là thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo nối qua làng Vây. Hướng tới địa phương xứng đáng là đô thị điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông- Tây của tỉnh cũng như cả nước".
Đến nay, huyện Hướng Hóa đã hoàn thành việc định canh, định cư tại 100% thôn, bản. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Huyện Hướng Hóa nằm trên trục Hành lang Kinh tế Đông- Tây, tuyến Đường 9 là huyết mạch giao thông nối liền với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo... là tiềm năng phát triển du lịch, thương mại dịch vụ.
Khu trung tâm thương mại Lao Bảo.
Khu trung tâm thương mại Lao Bảo.
Thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo đã hội đủ tiêu chuẩn là đô thị loại IV, được mệnh danh là “những đô thị vàng” nơi đầu cầu Xuyên Á. Huyện Hướng Hóa đã huy động trên 1.800 tỉ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân trên địa bàn hiến hơn 20.000 m2 đất, hàng ngàn ngày công lao động để mở đường, nâng cấp xây mới đường giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, trường học, trạm xá, nhà văn hóa cộng đồng...
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau 50 năm xây dựng phát triển, bóng dáng một đô thị miền núi kiểu mẫu đang dần hiện hữu trên mảnh đất Hướng Hóa. 
"Tôi rất kỳ vọng về sự phát triển của Hướng Hóa trong tương lai. Nếu có cách làm đúng và một thái độ tích cực thì huyện Hướng Hóa sẽ vươn lên trở thành một huyện giàu có. Chúng tôi cũng đang tìm hướng để Hướng Hóa trở thành một huyện miền núi kiểu mẫu, đóng góp phần tăng trưởng lớn cho tỉnh", ông Chính cho biết.
Theo vov.vn