Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An: Bất cập trong điều tiết xả lũ liên hồ chứa thủy điện

11:27, 07/09/2018

Các cơ quan chức năng khẳng định các đợt lũ lụt vừa qua ở các huyện miền Tây Nghệ An nguyên nhân chính là do việc điều tiết xả lũ theo quy trình liên hồ chứa chưa hợp lý.

 

Từ 40 năm nay, đây là lần đầu tiên những người dân bản Na Khốm , xã Yên Na, huyện Tương Dương phải chạy lũ và chứng kiến cảnh nước lũ lên nhanh như thế này. Nhà  cửa ngập chìm trong nước lũ, cách duy nhất người dân có thể làm là vớt vát một ít tài sản của gia đình.

Lần này là lần đầu tiên bản chúng tôi bị ngập sâu như thế này, nước to quá, nguy hiểm lắm” - ông Lô Văn Hợi ở bản Na Khốm kể lại.

Người dân bản Na Khốm
Người dân bản Na Khốm phải vận chuyển đồ đạc ra khỏi nhà khi nước ngập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Năm nay, mức nước lũ theo lý thuyết và theo thực tế có những việc cần kiểm tra lại. Bởi vì hàng năm cũng mức xả như thế này nhưng mức ngập nhà dân và thiệt hại của người dân như thế này nên đã tạo ra lo lắng trong nhân dân. Chính quyền cũng phải phân công lực lượng đến khu vực bị ảnh hưởng để giúp dân. Rất lo!”

Ôm con chạy lũ.
Ôm con chạy lũ....

Không chỉ ở Tương Dương, những thiệt hại không thể đo đếm được của người dân xã Mỹ Lý, nơi thượng nguồn lòng hồ thủy điện phải gánh chịu trong 3 đợt lũ lụt vừa qua. Nguyên nhân được chính quyền địa phương khẳng định là do nước từ Lào đổ về với lưu lượng lớn, trong khi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nước đã được tích đầy, cao hơn những năm trước đây.

Khốn khổ vượt qua những điểm ngập lụt tại quốc lộ 7 đoạn qua địa bàn xã Tương Dương.
Khốn khổ vượt qua những điểm ngập lụt tại QL 7 đoạn qua địa bàn huyện Tương Dương.

Trong khi lũ về không chủ động xả, không điều hòa được dòng lũ nên việc dự trữ nước với cao độ trước khi lũ về là quá lớn. Đến khi thông báo xả, lại xả trong tình trạng lũ về dồn dập, dẫn đến lũ chồng lũ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nhà máy thủy điện và ngành điện lực chưa làm tốt vấn đề này" - ông Phan Sỹ Thắng, Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn nhận định.

Đây là 1 trong 83 ngôi nhà
Mất chỗ ở là hậu quả mà người dân vùng rốn lũ Kỳ Sơn phải gánh chịu do việc tích nước, xả lũ liên hồ  chứa thuỷ điện chưa hợp lý.

Từ cuối tháng 7 và trong tháng 8, khu vực Tây Nghệ An đã có 4 đợt lũ về liên tiếp với lưu lượng rất lớn. Vì vậy, việc cắt giảm lũ đối với các nhà máy thủy điện, trong đó có nhà máy thủy điện Khe Bố và Bản Vẽ chưa được tốt, ngược lại còn gây ngập sâu cho các khu dân cư phía hạ du. Vậy, do công tác dự báo lũ từ thượng nguồn không tốt, hay việc vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện có vấn đề, gây ngập úng trên diện rộng.

Hồ thuỷ điện bản Vẽ xả lũ
Thuỷ điện Bản Vẽ xả lũ.

Về vấn đề này, ông Tạ Hữu Hùng - PGĐ Công ty thủy điện Bản Vẽ trao đổi: “ Bất cứ một nhà máy thủy điện nào, nguyên tắc cơ bản không được xả lũ lớn hơn lưu lượng về mà chỉ cắt giảm lũ chứ không được xả tiếp. Vì vậy, nguyên nhân gâu ngập lụt cho hạ du là do thời tiết cực đoan chứ không phải do thủy điện gây ảnh hưởng cho hạ du, ngược lại thời gian qua thủy điện đã cắt giảm lũ rất là nhiều cho hạ du”.

Rõ ràng, việc điều tiết và vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện trong mùa mưa, nhất là năm nay đã bộc lộ rõ nhiều bất cập. Cụ thể, cùng trên một lưu vực dòng chảy  có rất nhiều nhà máy thủy điện, nhưng gần như việc xả lũ đang tiến hành độc lập, nên khi các hồ chứa vượt ngưỡng, các nhà máy đều đồng loạt xả lũ, không tính đến công suất, lưu lượng tổng hợp, dẫn đến lũ chồng lũ, gây thiệt hại cho khu vực hạ du.

Đây là 1 trong 83 ngôi nhà ở xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn bị ngập sâu do nước lòng hồ thuỷ điện bản Vẽ lên nhanh.
Nhiều ngôi nhà ở xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn bị ngập sâu, cuốn trôi do nước lũ lên nhanh.

“Trong quy trình xả lũ có những điều chưa hợp lý, vấn đề này qua thực tế đã chứng minh và chúng tôi đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại một số điểm trong quy trình vận hành này. Cụ thể, trong mùa mưa lũ, thủy điện không nên để mức cao trình 65m mà để xuống cao trình 63m. Với hồ thủy điện Bản Vẽ phải giản thời gian tích nước ra sau 1/9 và kéo dài đến 15 hoặc ngày 20/9 lúc đó mới được tích nước lên cao trình 200m” - Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

Trong quy trình xả lũ có những điều chưa hợp lý
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu- GĐ Sở NN&PTNT, thực tế trong quy trình xả lũ có những điều chưa hợp lý.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh trong việc quản lý, điều tiết việc xả lũ đối với các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo không tạo ra lũ nhân tạo, bất thường, gây thiệt hại về người tài sản đối với vùng hạ du như đã xảy ra liên tục thời gian gần đây.

 Nguyễn Nam- Thành Trung