Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Vui tết độc lập ở làng cựu kiều bào Thái Lan

19:34, 02/09/2018

Trước khi nước nhà độc lập, dưới ách đô hộ của phát xít, thực dân, phong kiến và đặc biệt là nạn đói năm 1945 đã có nhiều gia đình Việt phải tha phương sang Thái Lan để tồn tại. Từ năm 1963, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều kiều bào đã hồi hương, đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương. Ở Nghệ An có một ngôi làng đặc biệt như thế và ngày Tết độc lập đối với họ luôn là một sự kiện đầy ý nghĩa.

 

Với mỗi người dân làng Việt Hương, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, không khí đón Tết độc lập 2/9 có lẽ chỉ sau ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Dù bận bịu với cuộc sống mưu sinh nhưng đến ngày này, các gia đình trong làng đều dành thời gian sum họp. Mỗi người đều diện bộ quần áo đẹp nhất cho ngày vui của dân tộc.

Một góc làng Việt Hương.
Một góc làng Việt Hương, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu.

 “Tết độc lập đối với chúng tôi có ý nghĩa rất lớn lao. Nhất là bà con kiều bào Thái Lan đã trở về quê hương làm ăn sinh sống, được sống trong hòa bình và độc lập cảm thấy rất đỗi tự hào” Bà Trần Thị Bình, người dân làng Việt Hương chia sẻ:

 “Thường những ngày Tết độc lập, gia đình chúng tôi lại làm mâm cao cỗ đầy để con cháu sum họp mừng ngày độc lập tự do của dân tộc, hưởng ngày tự do mà Bác, Đảng đã đưa đến cho nhân dân” - bà Võ Thị Ngụ cũng xúc động nói.

Ông Lương Xuân Thìn năm nay đã 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng. Ngày cùng cha mẹ về nước theo tiếng gọi của Bác Hồ ông đã ngoài 20 tuổi. Ông vẫn nhớ, từ ngày còn ở Thái Lan, kiều bào vẫn luôn hướng về ngày Quốc khánh của đất nước. Buổi đầu về nước, ngày Tết độc lập cũng không ai quên nhưng đang khó khăn nên chỉ tổ chức đơn sơn. Cuộc sống khấm khá lên, ngày này đã trở thành ngày lễ trọng với mỗi gia đình ở làng Việt Hương.

Cuộc sống khấm khá lên, ngày này đã trở thành ngày lễ trọng với mỗi gia đình ở Làng Việt Hương
Cuộc sống khấm khá lên, ngày quốc khánh 2/9 đã trở thành ngày lễ trọng với mỗi gia đình ở làng Việt Hương.
Bà con tổ chức nhiều hoạt động để chào đón ngày lễ trọng đại của dân tộc.
Bà con tổ chức nhiều hoạt động giao lưu để chào đón ngày lễ trọng đại của dân tộc.

“Trước đang khó khăn nên chỉ tổ chức đơn sơ, khi đó chúng tôi mới về khai hoang đất rừng. Cũng muốn tổ chức thật khang trang nhưng vì còn nghèo quá. Bây giờ đất nước ngày càng đổi mới, cuộc sống hơn trước nên bà con rất phấn khởi, nhà nào cũng tổ chức ăn mừng. Riêng xóm thì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ vào ban đêm, ban ngày thì tổ chức các giải bóng đá bóng chuyền và bà con tích cực tham gia vui vẻ trong ngày này...” - ông Thìn kể lại.

Tên làng Việt Hương có nghĩa là làng Việt kiều hồi hương. Từ 60 hộ ban đầu về nước, lập bản, làng Việt Hương nay đã có 160 nóc nhà. Sự năng động, chịu khó của kiều bào đã góp phần xây dựng vùng đất này ngày càng trù phú. Không chỉ vậy, con cháu làng kiều bào giờ còn có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, hàng ngày đóng góp phần sức lực nhỏ bé cho đất nước ngày càng giàu mạnh. Cuộc sống kinh tế thay đổi, những người lớn tuổi, có trách nhiệm trong ngôi làng đặc biệt này lại thấy càng phải có trách nhiệm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nhiều gia đình ở làng Việt Hương đã trở thành hộ giàu, đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương.
Nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên ở làng Việt Hương.

“Cuộc sống khấm khá lên nhưng không phải ai cũng nhớ đến ý nghĩa ngày Tết độc lập nên chúng tôi phải phân công cho từng đoàn thể, hội Việt Thái chủ trì tổ chức để giáo dục con cháu, thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa của ngày quốc khánh 2/9 là ngày Tết độc lập của dân tộc mình” - ông Nguyễn Văn Thăm , xóm trưởng làng Việt Hương trao đổi.

Nguồn gốc của 160 hộ dân làng Việt Hương không phải ở Nghệ An. Phần lớn họ làng người có gốc ở Quảng Bình phải phiêu dạt sang Thái Lan năm 1945 vì nạn đói. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về Nghệ An, cho đến hôm nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Và ngày Tết độc lập đối với bà con luôn là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại./.

Xuân Hướng - Trường Ca